Multimedia Đọc Báo in

Ươm “mầm xanh” ở vùng biên

08:17, 22/02/2023

Gia cảnh đặc biệt khó khăn, trên địa bàn vùng biên có rất nhiều học sinh từng đứng trước những chông chênh trên con đường tìm chữ. Góp sức ươm “mầm xanh”, người lính quân hàm xanh đã nhận nuôi, đỡ đầu, hỗ trợ để hàng trăm trẻ em được thắp lên niềm hy vọng, tiếp bước tương lai…

Lan tỏa tình nhân ái

Kể từ ngày nhận hỗ trợ cháu Y Lân H’Mốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) theo Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk thường xuyên động viên Y Lân vươn lên trong học tập. Y Lân H’mốk hiện đang là học sinh lớp 6 của Trường THCS Võ Thị Sáu, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ba mẹ em không có công việc ổn định, thiếu đất canh tác, cuộc sống gia đình càng chật vật hơn khi phải lo cho 6 người con đang tuổi ăn tuổi lớn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk hướng dẫn con nuôi của đơn vị học tập.

Không riêng Y Lân H’mốk, thực hiện Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” của Bộ Quốc phòng, kể từ tháng 9/2022, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp cùng địa phương, nhà trường rà soát những hoàn cảnh đặc biệt trên biên giới. Theo đó, các đơn vị đã lựa chọn 145 học sinh thuộc các đối tượng là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, mồ côi cha, mẹ… ở 3 xã biên giới Ia Lốp, Ia R’vê (huyện Ea Súp) và Krông Na (huyện Buôn Đôn) để hỗ trợ. Mở thêm cơ hội, niềm vui cho các em, Dự án giúp đỡ lâu dài về phương tiện đến trường, đồ dùng học tập, tiền ăn và một số kinh phí khác để các em thêm vững tâm trên con đường tìm chữ.

 

Thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi Đồn Biên phòng”, tính đến cuối năm học 2021 - 2022, trên địa bàn biên giới có 11 em đã tốt nghiệp THPT; 4 em đậu đại học, cao đẳng; các em còn lại đang theo học chương trình phổ thông các cấp. Tổng kết năm học 2021 – 2022, có 30/44 em đạt học lực khá, giỏi.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, song song với thực hiện dự án mới này, nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tích cực thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” (hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng/học sinh) và chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” (nhận nuôi dưỡng, chăm sóc cho 4 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn). Nhân dịp các ngày lễ, Tết và đầu năm học, các đơn vị, cá nhân đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho các cháu, khuyến khích, động viên các cháu học tập tiến bộ. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn vận động thêm nhà hảo tâm hỗ trợ cho các cháu xe đạp, cặp, sách vở và dụng cụ học tập…

Mở cánh cửa tương lai

Trong số hàng trăm học sinh được bộ đội biên phòng đồng hành, có không ít trường hợp đã vượt qua được hoàn cảnh khó khăn để đến với giảng đường đại học, giữ vững thành tích học tốt. Niềm vui trên con đường tìm chữ của các em là niềm mong mỏi, kỳ vọng, hơn cả lời tri ân gửi đến người lính quân hàm xanh trên biên ải.

7 năm trước, hình ảnh cô bé Bùi Lan Anh gầy ốm, đen nhẻm từng đọng lại trong tâm trí bao người khi đến thăm gia đình em ở xã Ea Bung, huyện Ea Súp. Khi ấy, Lan Anh đang học lớp 7 và là một trong những học sinh đầu tiên trên biên giới được bộ đội biên phòng nhận giúp đỡ khi chương trình “Nâng bước em đến trường” bắt đầu triển khai tại Đắk Lắk. Trong suốt những năm học phổ thông, cô gái bé nhỏ luôn đạt học lực khá, giỏi. Và giờ đây, em đã là sinh viên năm 2, ngành sư phạm Hóa, Trường Đại học Tây Nguyên. Em chia sẻ, theo chương trình thì việc hỗ trợ sẽ kết thúc khi em học hết lớp 12. Thế nhưng đến nay, các chú bộ đội vẫn thường đến thăm, động viên, tặng quà gia đình khiến em rất cảm động. Còn Trung tá Hà Ngọc Lâm (nhân viên Trinh sát, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê) thì vui mừng: “Lan Anh là một cô bé rất hiểu chuyện và sống tình cảm. Việc cháu vào được đại học đã tạo niềm khích lệ rất lớn cho trẻ em khó khăn vùng biên. Chúng tôi còn cảm kích hơn khi cháu vẫn giữ liên lạc, gọi điện thăm hỏi chúng tôi dịp lễ, Tết”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk đến thăm, động viên gia đình em Y Lân H'mốk

Tương tự như Lan Anh, ở xã Ia R’vê (huyện Ea Súp), nghị lực vượt khó của cô bé Hồ Thị Thu Thảo (nay là sinh viên năm 3 của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh) khiến nhiều người cảm kích. Từng đứng trước nguy cơ phải nghỉ học vì gia cảnh khó khăn, Thảo may mắn được bộ đội biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu khi đang học lớp 8. Nguồn động lực ấy giúp cô học trò nhỏ vượt qua được những năm tháng cơ cực để đi tiếp vào giảng đường đại học…

Không chỉ phối hợp hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn các em học tập, những người lính quân hàm xanh còn tận tình chỉ bảo các kỹ năng để hình thành ý thức tự lập. Đến nay, phần lớn các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Bộ đội Biên phòng tỉnh đỡ đầu, nhận nuôi đều đang phát triển toàn diện về cả thể chất và trí tuệ.

Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ: Để tiếp tục lan tỏa ý nghĩa nhân văn từ các chương trình, bộ đội biên phòng đã và đang tích cực phối hợp với địa phương, gia đình, nhà trường cùng quan tâm, chăm lo, động viên các cháu nhằm “ươm mầm”, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các học sinh, thế hệ tương lai ở khu vực biên giới được học tập, phát triển trong môi trường tốt.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.