Multimedia Đọc Báo in

Không chủ quan khi trẻ bị tiêu chảy

07:32, 12/09/2021

Tiêu chảy là bệnh xảy ra quanh năm và mọi người đều có thể mắc nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn. Do sức đề kháng còn yếu nên khi bị tiêu chảy, trẻ có nhiều nguy cơ suy dinh dưỡng, thậm chí tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều gia đình chưa hiểu rõ về bệnh tiêu chảy nên còn chủ quan khi trẻ mắc bệnh. Đơn cử như: khi con bị tiêu chảy, nhiều cha mẹ không cho trẻ ăn đầy đủ và không cho uống nước vì sợ trẻ sẽ tiêu chảy nhiều hơn. Sai lầm này khiến trẻ vốn đã bị mất nước do tiêu chảy lại càng mất nước trầm trọng hơn, gây thêm nguy hiểm cho trẻ. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh còn tự ý mua kháng sinh về cho trẻ uống mà không biết rằng phần lớn nguyên nhân gây tiêu chảy do vi rút, việc sử dụng kháng sinh không chỉ vô ích mà còn làm trẻ mệt thêm.

Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tiêu chảy là bệnh lý thường gặp ở trẻ, là bệnh lý đứng thứ hai trên toàn thế giới gây bệnh cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi. Bệnh tiêu chảy có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, trong đó phải kể đến 2 biến chứng điển hình dễ gặp nhất là mất nước, rối loạn điện giải. Hai biến chứng này nếu không xử lý kịp thời thì trẻ sẽ bị trở nặng và dễ tử vong.

Trẻ bị tiêu chảy được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Quang Nhật

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tiêu chảy, có thể do vi rút hoặc vi khuẩn trong quá trình chế biến thức ăn, ngộ độc thức ăn do hóa chất gây hại đối với trẻ, hoặc do áp suất thẩm thấu của thức ăn không phù hợp với lứa tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ hay những trường hợp trẻ bị dị ứng với các thức ăn. Vi khuẩn, vi rút sẽ theo tới ruột, ở đây chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh và bài tiết các chất độc. Lúc này cơ thể sẽ phản ứng lại ngay bằng cách huy động nhiều nước vào ruột để hòa tan các vi rút, vi khuẩn và các chất độc do chúng sinh ra, đồng thời ruột co bóp mạnh để thải nước đó mang theo vi rút, vi khuẩn và các chất độc ra ngoài cơ thể, từ đó sinh ra tiêu chảy.

Trẻ bị tiêu chảy nên được điều trị ngay để phòng tránh mất nước, rối loạn điện giải hoặc các biến chứng của nhiễm khuẩn sau đó. Các biến chứng này rất thường gặp và nó là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ trên toàn thế giới sau nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Do đó, ngay khi trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ uống bù nước, tốt nhất là uống oresol pha theo đúng chỉ định hướng dân, 1 gói pha trong đúng 1 lít nước đun sôi để nguội, loại gói nhỏ pha đúng 200 ml nước; nếu trong 24 giờ không uống hết dung dịch đã pha thì đổ đi pha dung dịch khác. Tiếp tục cho trẻ ăn và bú bình thường (nếu trẻ còn bú) và chú ý dùng thức ăn loãng, dễ tiêu: cháo thịt, cá, súp... để giúp trẻ có sức khỏe. Có thể chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần. Tuyệt đối không được bắt trẻ kiêng ăn.

Để phòng bệnh tiêu chảy, các gia đình nên tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nên thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như gỏi cá, tiết canh, nem chua… Nên chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng. Các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư, để từ bữa trước sang bữa sau phải được bảo quản tốt, hợp vệ sinh.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.