Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy hợp tác và liên kết vùng để Tây Nguyên phát triển

13:26, 15/06/2020
Ngày 13-6, t ại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIV trong  phiên thảo luận  về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Đại biểu Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã có bài phát biểu đưa ra nhiều giải pháp để phục hồi nền kinh tế đất nước sau đại dịch, cũng như để thúc đẩy kinh tế vùng Tây Nguyên phát triển,   Báo Đắk Lắk Điện tử xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu.  
 
 
Trước hết, chúng tôi đồng tình thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội của đất nước năm 2019, những tháng đầu năm 2020 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Chúng tôi xin có mấy ý kiến như sau:

Việc cả thế giới đang loay hoay với đại dịch, hơn một nửa dân số thế giới vẫn ít nhiều còn giãn cách xã hội thì việc chúng ta từ khắp mọi miền của đất nước, dự họp đông đủ ở Hội trường này với một tâm thế thoải mái và an toàn là một hạnh phúc rất lớn mà rất nhiều quốc gia trên thế giới mong đợi cũng không có được.

Đại biểu Bùi Văn Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Bùi Văn Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Là một trong số ít các quốc gia trên thế giới với độ mở kinh tế lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, đường biên giới dài đã thành công một cách nhanh chóng và bền vững trong kiểm soát dịch Covid - 19 (đã gần 2 tháng không có dịch bệnh trong cộng đồng), Việt Nam đã được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao, coi là điểm sáng toàn cầu về chống dịch. Điều này là kết quả của chiến lược và sách lược chống dịch đúng đắn, quyết liệt, kịp thời; là sự phối hợp ăn ý, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt của Chính phủ và chính quyền địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng; là sự ủng hộ tích cực, đồng lòng và nỗ lực vượt khó của toàn thể nhân dân. Đó cũng là chiến thắng của tinh thần đoàn kết kết, thống nhất, trên dưới một lòng, cả nước góp sức. Tôi đề nghị Quốc hội biểu dương đậm nét nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về kết quả chống dịch. Qua đây cũng rút ra nhiều bài học quý giá về quản lý phát triển và quản trị rủi ro, đối phó với những thảm họa, dịch bệnh trong tương lai.

Tăng trưởng kinh tế thế giới, theo dự báo của WB năm 2020 suy giảm mạnh (5,2%); các đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam đều bị ảnh hướng nặng nề (EU tăng trưởng - 9,1%; Mỹ - 6,1%;  Trung Quốc tăng trưởng 1%); các nước đều tung ra những gói cứu trợ rất lớn để đối phó với tình hình. Trong bối cảnh đó, chúng ta cần có sự điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phù hợp, trong đó có bội chi và nợ công, tạo cầu, kích thích nền kinh tế; đồng thời đưa ra các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế; cần phân cấp, ủy quyền mạnh hơn để có những quyết sách linh hoạt và kịp thời trong bối cảnh mới, đi liền với đó là trách nhiệm giải trình cũng phải cụ thể, rõ ràng.
 
Để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, Chính phủ đã sớm thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp chính sách, trong đó bao gồm cả tài khóa và tiền tệ, như: gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng và nhiều chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, v.v… Đặc biệt, chúng ta đã có gói hỗ trợ kinh tế 62.000 tỷ đồng vừa mới triển khai, nhưng cần rà soát nhanh, kiểm tra ngẫu nhiên xem việc hỗ trợ đã kịp thời chưa, đúng đối tượng chưa và đã đủ liều lượng chưa? Đặc biệt là với những đối tượng, ngành nghề cần được nhận hỗ trợ nhất. Cần đẩy mạnh giám sát các gói cứu trợ kinh tế hỗ trợ người lao động, người yếu thế và doanh nghiệp (DN). Vừa qua, nhiều DN phản ánh chưa thể tiếp cận được gói tín dụng 16.000 tỷ đồng lãi suất 0%, trong khi gói miễn/giảm thuế, phí (chẳng hạn như giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô) đến nay vẫn còn chờ lấy ý kiến. Chính sách hỗ trợ là quan trọng nhưng hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ đúng thời điểm lại càng quan trọng hơn. Gói hỗ trợ sẽ ý nghĩa và hiệu quả nhất là lúc khó khăn nhất, khi nền kinh tế đã hồi phục, việc hỗ trợ sẽ giảm ý nghĩa.
 
Bí thư Tỉnh ủy Bùi văn Cường gặp gỡ doanh nghiệp đầu năm 2020.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường gặp gỡ doanh nghiệp đầu năm 2020. (Ảnh minh họa)

Chúng tôi đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong những tháng đầu năm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh lan nhanh ra khắp thế giới. Mức tăng trưởng quý I của chúng ta 3,82% là cao nhất trong khu vực, đặc biệt khi nhiều nước tăng trưởng âm, kinh tế thế giới suy giảm. Tôi đồng tình và đánh giá cao 5 mũi giáp công mà Chính phủ đưa ra để thúc đẩy nền kinh tế bao gồm: đầu tư tư nhân; thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp để cụ thể hóa hơn nữa và thúc đẩy mạnh mẽ 5 mũi giáp công đó.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng có 2 vấn đề cần tập trung chỉ đạo triển khai lúc này là nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện những bất cập, vướng mắc của thể chế pháp luật, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh hướng tới những chuẩn mực của OECD (như Chính phủ vẫn đề cập). Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội vô cùng lớn để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư và của các chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như: Microsoft, Google,… đang thực hiện kế hoạch tìm đến các địa điểm tiềm năng ở Việt Nam hay Thái Lan, Malaysia. Chính phủ, với sự đồng hành của Quốc hội, cần có hành động sớm để chớp lấy thời cơ hiếm hoi này.
 
Cùng với kiến tạo môi trường kinh doanh tốt nhất, Chính phủ cần dồn nguồn lực cho phát triển những hạ tầng chiến lược, đầu tư những yếu tố nền tảng để phát huy tiềm năng và lợi thế vượt trội của các vùng kinh tế. Bởi vì nhu cầu tập trung nguồn lực, cộng hưởng, lan tỏa các lợi thế, phát huy tối đa các tiềm năng để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho thấy thấy tầm quan trọng của việc hợp tác và liên kết vùng.
 
Tôi xin lấy Tây Nguyên để minh họa cho đề xuất này. Tây Nguyên có đến 2 triệu héc-ta đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, phù hợp với những cây công nghiệp như: cà phê, ca cao, hồ tiêu, dâu tằm, trà, mắc-ca. Đây đều là những cây công nghiệp quan trọng của Việt Nam đã xuất khẩu và giữ được thị phần lớn về kim ngạch trên thế giới. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là xuất thô, giá trị gia tăng thấp, do thiếu vắng các nhà đầu tư vào công nghiệp chế biến. Trong khi vùng kinh tế trọng điểm phía nam là trung tâm công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, nơi hội tụ của những nhà sản xuất sở hữu các công nghệ sản xuất tiên tiến, nơi có sẵn các hạ tầng chiến lược như sân bay, cảng biển quốc tế, nơi sẵn sàng kết nối vào các mạng lưới sản xuất và tiêu thụ toàn cầu. Điều quan trọng là cần một chất keo kết dính các lợi thế này lại, đó chính là các cơ chế chính sách khuyến khích và cơ sở hạ tầng liên vùng. Sự kết nối này không chỉ mang lại cơ hội lớn hơn cho các tỉnh Tây Nguyên mà còn làm gia tăng giá trị cho ngành các ngành công nghiệp chế biến chế tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn hơn vào thành quả chung của cả nước.

Cùng với tài nguyên cây công nghiệp, Tây Nguyên còn là kho tàng văn hóa phi vật thể khổng lồ, đặc sắc và huyền bí mà rất ít cao nguyên trên thế giới có được, ví dụ như: Sử thi Tây Nguyên, Trường ca Đam San... Du lịch Tây Nguyên rất giàu tiềm năng, với các tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa là rất độc đáo, khí hậu mát mẻ quanh năm; nhưng khách du lịch đến với Tây Nguyên con số còn rất khiêm tốn. Mặc dù du lịch là một thế mạnh của vùng nhưng với đà này còn rất xa du lịch Tây Nguyên mới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đắl Lắk giàu tiềm năng du lịch. Ảnh: Ngô Minh Phương
Đắk Lắk giàu tiềm năng du lịch. Ảnh: Ngô Minh Phương

Những hạn chế trong phát triển một phần ở sự khó khăn trong kết nối của Tây Nguyên với phần còn lại của đất nước, đặc biệt là tới các trung tâm kinh tế, đã cản trở nỗ lực xây dựng “nền kinh tế chuỗi” của Tây Nguyên. Khó khăn còn nằm ở việc các tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa bị mai một mà thiếu cơ chế và nguồn lực đầu tư thích đáng để phục hồi. Bên cạnh việc trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, đóng vai trò quan trọng về quốc phòng - an ninh đối với quốc gia, Tây Nguyên cần đóng vai trò lớn hơn đối với đất nước về kinh tế, văn hóa và môi trường sinh thái. Cách thức quan trọng nhất để đảm bảo an ninh là phải phát triển kinh tế Tây Nguyên. Mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến sinh kế của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.

Tây Nguyên cùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Nam Trung bộ cần phối hợp thúc đẩy kết nối hạ tầng để cùng nhau hình thành chiến lược liên vùng trong phát triển công nghiệp chế biến, phát triển du lịch và các mô hình kinh tế khác, kết hợp những nét độc đáo, lợi thế của các vùng.
 
Tôi đề xuất hai việc: Một là, hiện nay cả nước có khoảng trên 1000 km đường cao tốc, khu vực phía Nam từ 5 năm nay vẫn giậm chân ở mức trên 100 km, trong khi cả 5 tỉnh tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa có 1km đường cao tốc nào. Do đó, tôi đề xuất dành nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt quan trọng là cơ sở hạ tầng giao thông và viễn thông – đây sẽ là những đại lộ đưa Tây Nguyên đóng vai trò lớn hơn về kinh tế. Cụ thể, là các tuyến Quốc lộ 14, 19, 26, 27... để rút ngắn thời gian giao thương giữa các địa phương trong vùng Tây Nguyên và với các vùng lân cận như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Duyên hải Nam Trung bộ. Đặc biệt là 3 tuyến cao tốc gồm Đắk Lắk - Khánh Hòa, để hướng cảng biển Cam Ranh và trung hạn là cảng nước sâu Vân Phong; cao tốc Đắk Nông -TP. Hồ Chí Minh để kết nối với vùng TP. Hồ Chí Minh với các lợi thế về sân bay, cảng biển, nguồn nhân lực và là trung tâm của ngành chế biến chế tạo; và cao tốc Gia Lai – Bình Định.
 
Đèo Phượng Hoàng nối hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Ảnh: Đặng Bá Tiến
Đèo Phượng Hoàng nối hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Ảnh: Đặng Bá Tiến

Hai là, đầu tư để phục hồi tái tạo và gìn giữ màu xanh của vùng cao nguyên đại ngàn, bảo vệ môi trường sinh thái và làm giàu thêm tài nguyên cây công nghiệp và tài nguyên du lịch, tăng tính cạnh tranh và tạo sự hấp dẫn của Tây Nguyên với du khách và các nhà đầu tư. Trước mắt, đề nghị Quốc hội, Chính phủ có cơ chế hỗ trợ, các chính sách khuyến khích về tín dụng giúp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tăng năng suất, thực hành nông nghiệp bền vững, phục hồi và bảo vệ rừng, gắn với sinh kế của người dân, góp phần bảo vệ phần cốt lõi nhất, không chỉ môi trường sinh thái và an ninh của vùng đất được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương mà còn của Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, của cả nước.

Làm tốt hai việc này, cùng với tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn mới, chắc chắn sẽ phát huy được tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên, đưa vùng đất này phát triển nhanh và bền vững hòa cùng nhịp đập cả nước trong giai đoạn tới.
 
Đại biểu Quốc hội,  Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk  Bùi Văn Cường 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.