Multimedia Đọc Báo in

Cấp ủy thời 4.0 (Kỳ 2)

08:54, 13/07/2021

Kỳ 2: Dòng chảy mới cho những con tàu

Tinh thần cầu tiến, học hỏi, nhạy bén, sáng tạo của những đầu tàu cấp ủy đã và đang góp phần tạo nên dòng chảy mới cho sự phát triển chung của kinh tế, xã hội ở nhiều địa phương.

Dưới sự điều hành của các bí thư chi bộ, đảng bộ, nhiều tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng được những nghị quyết sát thực, chọn được những giải pháp có tính bản lề, tạo sự chuyển động lớn cho cả "đoàn tàu".

“Văn phòng di động” ở vùng biên

Tính đến cuối tháng 4-2021, Ea Bung là xã đầu tiên của huyện biên giới Ea Súp công bố đạt chuẩn nông thôn mới. Để những ai quan tâm và muốn tìm hiểu sâu về sự kiện này, địa phương đã thực hiện tạo mã QR trên giấy mời. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người xem dù ở đâu cũng đều có thể nắm được toàn bộ kết quả, hình ảnh, thông tin, danh sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới của xã.

Quét mã QR cũng là cách mà Đảng ủy, UBND xã Ea Bung thực hiện trong nhiều sự kiện quan trọng khác của địa phương. Việc minh bạch, rõ ràng trong thông tin, hoạt động như vậy giúp người dân có thêm điều kiện giám sát mọi tình hình và ngày càng tin tưởng hơn vào sự chèo lái của đội ngũ lãnh đạo xã.

Được xem là một trong những xã đón đầu công nghệ ở huyện vùng biên, Đảng ủy, UBND xã Ea Bung tối đa hóa việc ứng dụng mạng xã hội trong thực hiện công việc. Cán bộ từ thôn đến xã đều thành lập nhóm trao đổi công việc trên mạng xã hội. Khi có những cuộc họp, thảo luận gấp, chỉ cần đăng thông tin lên nhóm là gần như thu nhận kịp thời ý kiến của thành viên mà không mất nhiều thời gian, chi phí để triệu tập thành phần, tổ chức.

Xã Ea Bung  sử dụng  mã QR, tạo thuận lợi cho người dân trong  khai báo y tế.
Xã Ea Bung sử dụng mã QR, tạo thuận lợi cho người dân trong khai báo y tế.

Chia sẻ về những nỗ lực và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong công việc, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung Lê Hồng Hạnh khẳng định: Dù ở trụ sở hay đi công tác, mọi người đều có thể xử lý công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Với các đồng chí lãnh đạo địa phương cũng vậy, ở đâu cũng có thể theo dõi, giám sát, kiểm tra và xử lý văn bản. Sự tiện ích của công nghệ còn tạo thuận lợi lớn cho 14 cán bộ làm việc bán chuyên trách tại địa phương. Dù làm việc bán thời gian, nhưng lực lượng này có thể trao đổi qua điện thoại mà vẫn bảo đảm được nhiệm vụ, tiến độ công việc.

Để tăng tính kết nối, địa phương tạo nhóm mở “Xã Ea Bung” trên trang Facebook, thu hút gần 800 người tham gia, qua đó, cán bộ xã có thể nắm bắt được những tâm tư, tình cảm cũng như băn khoăn, thắc mắc của bà con. Đây cũng là kênh chuyển tải kịp thời những hình ảnh, sự kiện, hoạt động thời sự tại địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, những văn bản liên quan đến công tác phòng chống dịch nhanh chóng được thông tin đến người dân nhờ có nhóm mở trên Facebook.

Phương thức, phong cách làm việc mới năng động, sáng tạo đã và đang được hình thành ở xã vùng biên Ea Bung này khi có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.

Một nghị quyết "xương sống"

Năm 2021 là một dấu mốc đáng nhớ của thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar với việc địa phương này được công nhận là đô thị loại IV.

Câu chuyện về hành trình xây dựng và phát triển thị trấn Quảng Phú thành đô thị loại IV bắt đầu từ Nghị quyết 04-NQ/HU, ngày 7 tháng 10 năm 2011 của Huyện ủy Cư M’gar. Xác định và quyết tâm thực hiện mục tiêu ấy cũng đồng nghĩa với việc địa phương tham gia một “đại công trường” để đạt được bộ tiêu chí đánh giá phân loại rất cụ thể, rõ ràng về tiêu chuẩn và thang điểm của đô thị loại IV: từ vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, quy mô dân số, mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đến trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị.

Trong những tiêu chuẩn ấy, "bài toán" hóc búa nhất trên hành trình nỗ lực cán đích đô thị loại IV của Quảng Phú là hạ tầng giao thông bởi đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Nghị quyết 83-NQ/ĐU, ngày 16 tháng 2 năm 2017 của Đảng ủy thị trấn Quảng Phú về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phát triển thị trấn Quảng Phú theo hướng đô thị loại IV được đánh giá là một nghị quyết "xương sống", bản lề, tạo động lực, chuyển biến lớn cho "con tàu" cập bến.

Một tuyến phố trung tâm thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar).  Ảnh: Vân Anh
Một tuyến phố trung tâm thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M'gar). Ảnh: Vân Anh

Khó vạn lần dân liệu cũng xong, "chiếc chìa khóa" khoan thư sức dân đã được Đảng ủy thị trấn phát huy hiệu năng. Tổ dân phố 5 được "chọn mặt gửi vàng", làm điểm trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông.

Với chiến lược tạo làn sóng lan, ngay sau khi Nghị quyết 83 của Đảng ủy thị trấn ban hành, cấp ủy tổ dân phố 5 đã nghiên cứu và quyết định làm điểm 98 m đường giao thông trước hội trường tổ dân phố để tạo hiệu ứng và có cơ sở rút kinh nghiệm.

“Làm xong tuyến đường này, người dân ở một số tuyến đường khác thích quá xuống tận nhà bí thư xin được tổ chức họp dân để làm đường”, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 5 Nguyễn Văn Tứ hồ hởi.

Nói vậy nhưng không phải mọi sự đều suôn sẻ. Ngoài số đông bà con đồng thuận, cũng có hộ vì khó khăn mà băn khoăn, do dự. Hiểu được hoàn cảnh, bí thư chi bộ trực tiếp đứng ra bảo lãnh đi mượn giúp tiền để đóng làm đường. 11 tuyến đường sau đó được triển khai và qua ít nhất 4 lần họp. Ông Tứ kể rành rọt: 1 lần họp để thông báo chủ trương, lắng nghe tâm tư và tạo sự đồng thuận; 1 lần để thống nhất về dự toán; 1 lần để đóng tiền và 1 lần để báo cáo, phân khai rõ các khoản thu chi đóng góp. Với cách làm như vậy, chỉ ngay trong năm 2017, 360 hộ trong tổ dân phố đã đóng góp 1,9 tỷ đồng để bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn tổ dân phố.

Hiệu ứng phong trào người dân chung sức bê tông hóa đường giao thông của tổ dân phố 5 đã lan rộng sang nhiều tổ dân phố khác. Thực sự ấn tượng khi thực hiện Nghị quyết 83, đến nay, tất cả các tuyến đường ở các tổ dân phố trên địa bàn thị trấn đều được nhựa hóa, bê tông hóa, nguồn vốn hoàn toàn từ nội lực của người dân.

Điều đáng nói là khi đường sá được nâng cấp, giao thông thuận lợi, hoạt động sản xuất và kinh doanh cũng thuận tiện và phát triển. Nghị quyết 83 là "một mũi tên trúng nhiều đích" khi đã trở thành động lực để thị trấn thực hiện được nhiều tiêu chí khác với mức điểm đạt tối đa như: tỷ lệ lao động phi nông nghiệp (6/6 điểm), mật độ dân số (6/6 điểm).

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Tấn Cường minh chứng: Nếu năm 2011, cơ cấu kinh tế của thị trấn là nông nghiệp – thương mại, dịch vụ – công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 28,5%, thì đến cuối năm 2020 đã có sự chuyển biến rõ nét. Cơ cấu kinh tế của thị trấn chuyển dịch theo hướng thương mại dịch vụ – nông nghiệp – công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, trong đó tỷ trọng thương mại, dịch vụ chiếm 48,2%, tăng 19,7%. Bình quân thu nhập đầu người đến cuối năm 2020 đạt 61,2 triệu đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2011.

Lựa chọn và ban hành được nghị quyết đúng, trúng đã giúp cấp ủy, chính quyền thị trấn Quảng Phú hóa giải nhiều khó khăn để cán đích đạt đô thị loại IV, tạo thế và lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Bàn đạp cho hành trình mới

Đàm Thuần - Quỳnh Anh - Đỗ Lan


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.