Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Đắk Lắk cần tạo sự khác biệt để phát triển

05:29, 09/08/2015

Nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo sự khác biệt cho sản phẩm du lịch địa phương là vấn đề mà nhiều đại biểu dành sự quan tâm tại buổi tọa đàm “Liên kết phát triển du lịch Đắk Lắk với cả nước” do Hiệp hội du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội du lịch Đắk Lắk tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua. Qua đó, nhiều giải pháp tích cực để du lịch Đắk Lắk phát triển bền vững.

°Ông Nguyễn Quốc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: Chú trọng liên kết du lịch vùng, tạo điểm nhấn cho từng địa phương

Du lịch Đắk Lắk có nhiều điểm hấp dẫn đối với du khách nhất là du lịch sinh thái và văn hóa. Tuy nhiên, du lịch ở đây nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung vẫn chưa tạo được sự khác biệt đặc sắc so với những nơi khác, chưa có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, nhất là chưa tạo được sự khác biệt đối với từng vùng, miền. Tôi dẫn chứng riêng về ẩm thực, khi lên Tây Bắc thì du khách được thưởng thức cơm lam, gà nướng, đến với Tây Nguyên cũng gà nướng, cơm lam. Chỉ riêng điều này đã làm du khách thấy bớt đi sự hấp dẫn khi đến với mỗi vùng, miền. Đành rằng, địa phương nào cũng muốn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của mình nhưng phải làm sao để người ta đã đến nơi này rồi vẫn còn muốn đi nhiều nơi khác nữa, nếu doanh nghiệp (DN) cho ra cùng một sản phẩm vô tình sẽ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, du khách chỉ cần đi một điểm là đã “tỏ” hết tất cả. Do dó, DN làm du lịch cần chú trọng đến việc tạo ra sản phẩm hay dịch vụ khác biệt để giữ chân du khách. Theo tôi, để giải quyết bài toán này, cốt lõi là phải có sự liên kết bền vững trong hoạt động du lịch. Để làm được điều đó, DN tại mỗi địa phương không thể “độc lập tác chiến” mà phải có sự liên kết chặt chẽ, nhất là trong việc định hướng, thống nhất chung để đầu tư cho một sản phẩm đặc trưng nhất định, tạo điểm nhấn và tránh gây nhàm chán cho du khách. Có như vậy, du lịch Tây Nguyên mới thật sự thu hút.

°Ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH JTB-TNT (TP. Hồ Chí Minh): Chú trọng quảng bá và xây dựng kênh thông tin về du lịch Đắk Lắk

Đắk Lắk có nền tảng tốt để phát triển du lịch như tài nguyên du lịch phong phú, văn hóa giàu bản sắc, con người thân thiện… thế nhưng chưa được quảng bá sâu rộng để du khách, nhất là khách nước ngoài được biết đến nhiều hơn. Chính việc thông tin quảng bá về du lịch còn hạn chế đã gây trở ngại cho các công ty kinh doanh du lịch trên cả nước khi đặt tour cho khách đến đây. Theo tôi, phải “nói” như thế nào để hấp dẫn, kích thích người ta đến chứ không phải đợi khi khách đến đây rồi mới giới thiệu. Do đó, quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch Đắk Lắk là việc làm hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch ở đây vẫn chưa thể đáp ứng và cần được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản hơn. Thời gian qua, nhiều lần đơn vị tổ chức đưa các đoàn khách Nhật đến với Đắk Lắk, khách tỏ ra rất bất ngờ và thích thú, tiếc là hướng dẫn viên tiếng Nhật tại các khu, điểm du lịch ở Đắk Lắk hầu như không có…

°Phạm Thị Ái Hòa, Công ty Cổ phần du lịch Việt Nam - Hà Nội, chi nhánh Huế: Cần xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, tránh trùng lặp; khắc phục tình trạng thiếu nhà vệ sinh

Sau 5 năm trở lại Đắk Lắk, du lịch ở đây vẫn chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Đi đến nhiều nơi như: Trung tâm du lịch Buôn Đôn, hồ Lắk, khu sinh thái Bản đôn… sản phẩm chủ yếu vẫn là cưỡi voi thăm buôn làng, tham quan nhà dài, thưởng thức văn hóa cồng chiêng. Tôi nghĩ, cái “gần gần giống nhau” ở mỗi địa điểm như thế, thật sự chưa tạo được dấu ấn riêng của từng điểm đến. Điều này cũng khiến cho du khách tiêu tiền ở Đắk Lắk ít hơn.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo sự khác biệt cho từng điểm đến để thu hút du khách. Theo tôi, bên cạnh “đặc sản cưỡi voi” du lịch Đắk Lắk cần tìm ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo để tạo ấn tượng mạnh, trong đó, nên xác định mỗi sản phẩm phù hợp với từng đối tượng du khách, sản phẩm nào dành cho du khách nước ngoài và đâu là sản phẩm phục vụ khách nội địa.

Bên cạnh đó, môi trường du lịch, nhất là hệ thống nhà vệ sinh tại các khu, điểm du lịch của Đắk Lắk cũng rất cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Không ít lần, đơn vị đưa đoàn du khách Pháp đến tham quan tại Đắk Lắk và bị phàn nàn về tình trạng thiếu WC hoặc không được sạch sẽ. Hy vọng trong thời gian đến, ngành du lịch địa phương sẽ khắc phục được tình trạng trên để du khách thoải mái thưởng ngoạn phong cảnh, thích thú khi trở lại phố núi cao nguyên.

°Ông Huỳnh Tấn Quốc, Giám  đốc Công ty TNHH TM & DV Hoàng Quốc Huy (Đà Nẵng): Thiếu sản phẩm du lịch về đêm cho du khách

Du lịch Đắk Lắk làm tôi ấn tượng bởi không hề thấy sự chèo kéo, chặt chém, hét giá tại các khu, điểm du lịch… Điều này đã giữ được hình ảnh đẹp trong lòng du khách mỗi dịp đến với phố núi. Tuy nhiên, Đắk Lắk vẫn còn thiếu điểm vui chơi, giải trí cho du khách, nhất là về đêm. 

Nói như vậy không có nghĩa là Đắk Lắk hoàn toàn không có gì để  khách thưởng thức khi đêm xuống. Buôn Ma Thuột có chợ đêm để khách  tản bộ thư giãn và mua sắm. Tuy nhiên, hàng hóa khá đơn giản và chưa có sản phẩm đặc trưng để quảng bá về đất và con người Đắk Lắk. Theo tôi, Đắk Lắk đã có chỗ ăn, chỗ ngủ tốt (trên địa bàn TP có không ít khách sạn từ 2 đến 5 sao), chỉ thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm cho du khách, mà điều này chưa thể giải quyết được ở chợ đêm. Do đó, nếu có sự đầu tư, làm phong phú thêm cho các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm thì tin  chắc rằng Đắk Lắk sẽ níu  chân du khách ở lại dài ngày hơn.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.