Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững: Bắt đầu từ việc gây dựng lòng tin

17:35, 16/03/2016
Manh nha từ năm 1990 nhưng đến nay nông nghiệp hữu cơ (NNHC) tại Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng vẫn còn khá khiêm tốn và tồn tại nghịch lý: sản phẩm làm ra không bán được trong khi người tiêu dùng lại loay hoay đi tìm sản phẩm sạch! Hãy tìm hiểu tại Nhật Bản-một đất nước không mấy thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp lại phát triển loại hình sản xuất này rất hiệu quả đáng để học tập.

Không dùng thuốc bảo vệ thực vật

Sản xuất NNHC là sản xuất theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn Quốc tế IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác NNHC) với mục tiêu bảo đảm hệ sinh thái cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm có chất lượng an toàn cho người sử dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, duy trì và nâng cao độ màu mỡ của đất.

Trồng hành lá theo hướng VietGAP tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột.
Trồng hành lá theo hướng VietGAP tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột.

Nhằm mở rộng cách nhìn, thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ, cuối tháng 1 vừa qua, Hội Liên hiệp Hữu nghị Việt Nam–Nhật Bản tỉnh đã tổ chức buổi tọa đàm về phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam–Nhật Bản tại TP. Buôn Ma Thuột. Tại đây, bà Masako Yoshida, tỉnh Niigata (Nhật Bản) có gần 30 năm kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho biết: Ban đầu gia đình bà cũng sản xuất rau thông thường, rau làm ra nhiều nhưng khó bán, luôn phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng rau sạch, rau hữu cơ nhiều nên bà cùng với các hộ dân trong vùng liên kết sản xuất rau hữu cơ trên diện tích 3 ha. Nhờ tuân thủ đúng các yêu cầu của sản xuất NNHC, thu phục được lòng tin của người tiêu dùng nên đầu ra luôn ổn định, các hộ đã mở rộng trang trại lên 7 ha, hoạt động theo mô hình nhóm, tổ hợp tác. Theo đó, các hoạt động giao thương, buôn bán được quy về một mối do bà quản lý. Khi người tiêu dùng có nhu cầu mua rau, họ sẽ tới cửa hàng để đặt cọc tiền, đăng ký loại rau mình muốn mua. Bản thân bà sẽ tiếp nhận đơn hàng và dựa vào kế hoạch sản xuất của tổ, ấn định thời gian giao hàng cho khách. Còn các nông dân sẽ phân chia ruộng rau của mình thành từng ô nhỏ để sản xuất theo sự phân phối của đầu mối, tới ngày thu hoạch thì mang tới cửa hàng để giao theo yêu cầu của đối tác. Tương tự, bà Miagi cũng trú tại Niigata có 22 ha đất trồng rau, lúa hữu cơ cho hay, sản xuất rau hữu cơ có rất nhiều khó khăn khi người tiêu dùng yêu cầu khắt khe về chất lượng, họ không chấp nhận sản phẩm rau bị sâu thâm nhập hay sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong quá trình sản xuất nên việc khởi nghiệp với NNHC rất khó khăn. Bà và những công nhân của mình phải tiếp cận từng bước một, từ bỏ dần thói quen dựa dẫm thuốc BVTV, phân bón hóa học, tìm cách thay thế bằng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học từ thiên nhiên. Do đó, việc thăm đồng thường xuyên, chú trọng khâu xử lý đất, vệ sinh đồng ruộng, bảo vệ nguồn thiên địch trong sản xuất là vấn đề mấu chốt tạo nên sự thành công của NNHC, do đó sản phẩm do bà làm ra tuy số lượng không nhiều, không đẹp mắt và rất kỳ công nhưng các loại rau người dân có thể ăn ngay trên đồng ruộng nên giá cao gấp 3 lần các loại nông sản thông thường, đầu ra lại ổn định.

Gây dựng lòng tin với người tiêu dùng

Trái ngược với Nhật Bản, Đắk Lắk hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp với một số sản phẩm chủ lực như cà phê, tiêu, ca cao, mật ong, rau… được tiêu thụ tại thị trường nhiều nước nhưng đến nay hình thức tổ chức sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch nên sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường còn thấp. Đặc biệt, thực trạng lạm dụng thuốc BVTV tràn lan khiến nông sản đối mặt với nguy cơ mất thị trường tiêu thụ từ trong nước. Lý giải thực trạng này, ông Nguyễn Hoàng Anh, kỹ sư sản xuất Công ty TNHH Liên kết nông dân cho biết, chính thói quen sử dụng hóa chất khi sản xuất trong nhiều năm qua đã khiến một bộ phận người sản xuất không đủ kiên định từ bỏ thói quen đó để đến với nông nghiệp an toàn. Trong các dự án, chương trình thí điểm sản xuất NNHC họ tuân thủ các nguyên tắc đề ra nhưng khi hết chương trình họ lại quay về cách sản xuất truyền thống xưa cũ theo lối chụp giật: sản lượng lớn, đẹp mắt, nhanh thu nên tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học lại tái diễn. Và thực tế, người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy và giám sát quá trình đó ngay trên đồng ruộng nên họ không tin tưởng những lời “hoa mỹ” của người sản xuất và tất yếu, rau làm ra bán không được, ùn ứ, đổ bỏ cho trâu bò ăn... Do đó, việc trước mắt là chính người sản xuất phải tự gây dựng lòng tin đến người tiêu dùng từ khâu sản xuất thì NNHC mới có đầu ra và phát triển. Để làm được điều đó, bên cạnh loại bỏ việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV thì người dân cần dựa tối đa vào việc quay vòng mùa vụ, tận dụng các phế phẩm sau thu hoạch trả lại cho đất để duy trì năng suất, chất lượng đất, đồng thời kiểm soát cỏ dại cũng như côn trùng và các loại sâu bệnh. Mặt khác, các ngành chức năng cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về NNHC cho người sản xuất để tạo hiệu ứng tích cực, thay đổi tư duy, chấp nhận đầu tư sản xuất NNHC, chú trọng cải cách về mặt kỹ thuật để bảo đảm sản phẩm rau sạch có thể ăn ngay trên đồng ruộng cũng như vượt qua các bước kiểm tra khắt khe của các nước tiên tiến khi đưa sản phẩm đi xuất khẩu.

Vườn cà phê sản xuất theo hướng bền vững tại huyện Krông Pắc.
Vườn cà phê sản xuất theo hướng bền vững tại huyện Krông Pắc.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, nông nghiệp hữu cơ giữ vai trò duy trì sức khỏe từ người sản xuất, tiêu dùng đến hệ sinh thái trong suốt quá trình canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng. Do đó, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ trong tương lai là tất yếu nên thời gian tới ngành sẽ chú trọng đẩy mạnh hợp tác, tuyên truyền sản xuất nông nghiệp an toàn.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.