Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Nghị quyết 42 - Nhìn từ Agribank Đắk Lắk

08:22, 31/10/2017

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm một số chính sách xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng và những chỉ thị, kế hoạch hành động của toàn ngành để thực hiện Nghị quyết này, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) đã đưa ra chương trình hành động với những giải pháp rất cụ thể, triển khai trong toàn bộ hệ thống.

Agribank Đắk Lắk cũng là một trong những đơn vị đầu tiên tổ chức thực hiện Nghị quyết 42. Hiện, nợ xấu của đơn vị đang nằm ở mức trên 2,4% tổng dư nợ. Mặc dù vẫn đang nằm trong ngưỡng cho phép, nhưng những khoản nợ xấu này đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của đơn vị. Do đó, toàn bộ các bộ phận nghiệp vụ liên quan đang tập trung xử lý nợ xấu bằng các bước, từ xây dựng quy trình cho đến phương án xử lý từng món nợ xấu; triển khai thực hiện... nhắm tới mục tiêu khẩn trương xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế.

Cán bộ Agribank Đắk Lắk kiểm tra hiệu quả vốn vay sản xuất tại một doanh nghiệp.
Cán bộ Agribank Đắk Lắk kiểm tra hiệu quả vốn vay sản xuất tại một doanh nghiệp.

Giám đốc Agribank Đắk Lắk Vương Hồng Lĩnh cho biết, Nghị quyết 42 ra đời đã giúp hệ thống ngân hàng thương mại nói chung, Agribank Đắk Lắk nói riêng có được công cụ xử lý nợ xấu hữu hiệu. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng có cách áp dụng, “hành xử” riêng để phát huy tốt nhất Nghị quyết này.

Mục tiêu của Agribank không chỉ là quyết tâm xử lý nợ xấu mà còn gắn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trong các phương án xử lý nợ của Agribank, có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ. Thậm chí, đối với những khách hàng gặp khó khăn, ngân hàng sẽ miễn toàn bộ lãi suất phạt quá hạn; điều chỉnh lãi suất của tất cả các khoản nợ xấu về mức lãi suất cho vay ưu đãi hiện nay.

Ngoài ra, ngân hàng cũng áp dụng cơ chế miễn giảm lãi theo thời hạn hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, thậm chí có trường hợp được áp dụng tới mức cao nhất miễn 100% lãi đọng để khuyến khích khách hàng nỗ lực tìm nguồn trả nợ. Qua đó, tính đến hết tháng 9, Agribank Đắk Lắk đã tạo điều kiện cho hàng chục khách hàng được cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất. Đặc biệt, đơn vị cũng đã triệt để thực hiện nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch trong xử lý nợ xấu nên không chỉ đẩy nhanh tốc độ xử lý, mà còn mở ra cơ hội cho khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Việc nỗ lực triển khai Nghị quyết 42 trước mắt có thể khiến tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng, song về lâu dài, điều này sẽ giúp ngân hàng tạo lập nền tảng tài chính vững mạnh và minh bạch. Tuy nhiên, cũng theo ông Vương Hồng Lĩnh, việc thực hiện Nghị quyết 42 hiện nay mới chỉ có đến từ phía ngân hàng, còn thiếu sự hỗ trợ của các ngành chức năng như Công an, Tòa án và nhất là chính quyền địa phương. Do đó, trong thời gian tới, để Nghị quyết 42 phát huy hết hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan để chia sẻ “gánh nặng” với Agribank.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.