Multimedia Đọc Báo in

Khi lòng dân đã thuận

17:49, 15/10/2014
Xã Cư San nằm cách trung tâm huyện M’Drak hơn 40 cây số, là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, với 99% dân số là người dân tộc Mông và Dao. Do trình độ dân trí thấp cộng với điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển, khí hậu khắc nghiệt nên đời sống của bà con ở đây còn rất nhiều thiếu thốn. Khi sự đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng được so với nhu cầu ở những vùng quê nghèo như xã Cư San, thì sức dân ở đây đã được huy động để xây dựng những công trình cấp thiết phục vụ  nhu cầu sinh hoạt thường ngày của bà con.
 
Công trình đầu tiên kể đến là những cây cầu gỗ được bà con ở thôn 4, thôn 5, thôn 11 và thôn 10 cùng nhau góp tiền, góp ngày công để xây dựng. Mặc dù, đời sống kinh tế còn khó khăn nhưng khi được vận động góp tiền làm cầu thì mỗi hộ đều thống nhất góp 5 triệu đồng. Đối với những gia đình khó khăn chưa có đủ tiền thì có thể chia làm hai lần đóng. Nhờ có sự đồng thuận của bà con, những cây cầu ở các thôn đã được tiến hành thi công nhanh chóng. Từ khâu lên kế hoạch làm cầu, thiết kế kỹ thuật tới việc thi công đều từ bàn tay của người dân ở các thôn thực hiện. Sau khi cây cầu hoàn thành, ở mỗi thôn còn bầu ra một đội tự quản để trông nom bảo vệ cây cầu . Anh Hạng Seo Pành, Trưởng thôn thôn 4  chia sẻ: Đội bảo vệ cây cầu có 12 người là đàn ông trong thôn, mỗi người gác một ngày thay phiên nhau. Cây cầu được xây dựng từ mồ hôi nước mắt của bà con, nên việc bảo vệ giữ gìn cây cầu là trách nhiệm chung của mọi người để cây cầu không bị hư hỏng. Từ khi có cây cầu, việc đi lại giao thương, sản xuất của bà con được thuận lợi, con đường tới trường của con em trong thôn không còn nguy hiểm như trước nữa…
Cây cầu của thôn 5 nối xã Cư San với xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) do người dân đóng góp kinh phí xây dựng.
Cây cầu của thôn 5 nối xã Cư San với xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) do người dân đóng góp kinh phí xây dựng.

Công trình tiếp theo là hệ thống  nước sạch tự chảy được dẫn từ trên đồi cao về. Có thể nói đây là niềm mong đợi lớn nhất của người dân, bởi điều kiện khí hậu và địa hình ở Cư San rất khắc nghiệt. Mùa khô các giếng đào đều không có nước, còn mùa mưa thì nước đục ngầu.  Ông Vàng Văn Sương, Trưởng thôn 5 cho biết: Hầu hết các hộ trong thôn đều có giếng đào, nhưng do thời tiết khô hạn và địa hình cao nên giếng thường xuyên hết nước. Các hộ phải đi xách nước ở suối, hay đi xin thôn bên cạnh. Thấy mọi người cơ cực với nguồn nước quá nên ban tự quản họp bàn quyết định tận dụng nguồn nước từ trên núi xuống và xây dựng hệ thống nước tự chảy. Sau nhiều lần họp bàn, 62 hộ dân ở thôn 5 đã thống nhất làm công trình nước tự chảy dẫn nguồn từ trên núi xuống. Không ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của chính quyền, mỗi hộ thống nhất đóng góp 5 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ so với điều kiện kinh tế của bà con, trong khi ở thôn có đến 50% các hộ là hộ nghèo. Nhưng nghĩ tới việc mọi người trong thôn sẽ được sử dụng nguồn nước sạch thì các hộ gia đình đều cố gắng hoàn thành nghĩa vụ đóng góp. Sau một thời gian lên kế hoạch và vận động, tháng 6 vừa qua, hệ thống công trình nước sạch tự chảy đã được khởi công

xây dựng và đưa vào hoạt động. Đứng trước công trình dẫn nước sạch của thôn mình, anh Giàng Seo Sèo tự hào khoe: “Công trình này có tổng số tiền đầu tư hơn 300 triệu đồng, hoàn toàn do bà con đóng góp xây dựng. Ngoài ra bà con còn góp công sức để đào mương dẫn ống nước từ trên núi xuống với chiều dài 8 km. Từ khi có nước sạch dùng, bà con không phải đi xin nước nhà hàng xóm, và không còn tình trạng sử dụng nguồn nước đục ngầu nữa”. Dự kiến sắp tới Ban tự quản thôn 5 tiếp tục vận động bà con xây dựng thêm các bể chứa dự trữ để đưa nước sạch về từng hộ. Ông Nguyễn Thành Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Cư San cho biết: Bà con ở trong xã đa số là người dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tự do vào vùng đất Cư San sinh sống. Do tập quán nên họ có tính cộng đồng cao, chính điều này là cơ sở để tạo khối đoàn kết ở các thôn. Nhờ vậy, việc vận động bà con đóng góp tiền và ngày công để xây dựng các công trình xã hội phục vụ nhu cầu sinh hoạt như  xây cầu và hệ thống nước sạch ở thôn 5 được tiến hành thuận lợi, đạt kết quả đáng khích lệ, đáp ứng được nhu cầu hằng ngày của bà con.

Diện mạo của đời sống nông thôn ở Cư San đã có sự thay đổi rất tích cực. Sự thay đổi không chỉ từ những công trình người dân đã đầu tư xây dựng, mà quan trọng hơn đó là sự đồng thuận cao của người dân. Sự đồng thuận đó chỉ có được khi các chủ trương đưa ra đều hợp lòng dân, vì quyền lợi thiết thực của người dân.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.