Multimedia Đọc Báo in

Tảo hôn ở Cư Elang và những hệ lụy

14:43, 26/06/2017

Xã Cư Elang là một trong những “điểm nóng” về tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trên địa bàn huyện Ea Kar.

Bỏ ngang “con chữ” để lấy chồng

19 tuổi, H.D. (ở buôn Ea Rớt, xã Cư Elang) đã là mẹ của 2 đứa trẻ, đứa lớn 4 tuổi và đứa nhỏ gần 8 tháng tuổi. Nỗi vất vả lo cơm áo gạo tiền của đôi vợ chồng trẻ khiến em già hơn tuổi rất nhiều. H.D tâm sự: Học hết lớp 6 em nghỉ học ở nhà lấy chồng. Lúc ấy em 14 tuổi, còn chồng 16 tuổi. Sau khi cưới, đến nay em lo sinh nở, trông con, mọi chi tiêu đều trông chờ tiền công chồng đi làm thuê.

D.K. (ở buôn Vân Kiều, xã Cư Elang) cũng bỏ trường lớp, ở nhà lấy chồng khi mới 16 tuổi, đến nay đã có 3 mặt con. D.K. cho biết: 2 vợ chồng em đi làm thuê kiếm cơm cho cả nhà ăn đủ ngày 3 bữa là cố gắng lắm rồi, làm gì có tiền để cho con uống sữa, bồi bổ như người ta. Thôi thì trời sinh trời dưỡng, con cái đẻ ra khắc lớn”(?).

Cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Ea Kar tuyên truyền chính sách dân số đến phụ nữ xã Cư Elang.
Cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Ea Kar tuyên truyền chính sách dân số đến phụ nữ xã Cư Elang.

Những trường hợp nói trên không phải là cá biệt ở xã Cư Elang. Theo chị Nông Thị Thương, cán bộ chuyên trách dân số của xã, hiện nay tình trạng tảo hôn và sinh con thứ 3 trên địa bàn xã vẫn diễn ra phổ biến. Trong số 1.800 hộ dân sinh sống trên địa bàn, số hộ sinh con thứ 3 trở lên chiếm khoảng 15%, còn tảo hôn năm nào cũng có. Chỉ tính trong năm 2016, toàn xã ghi nhận 18 trường hợp sinh con thứ 3 và 9 cặp vợ chồng tảo hôn. Riêng ở 2 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (Ea Rớt và Vân Kiều), tình trạng này “nóng” hơn. Nguyên nhân một phần là do nhận thức của người dân chưa đồng đều, mặt khác bà con vẫn còn quan niệm cũ về dựng vợ gả chồng, thích “đông con hơn nhiều của”.

Quẩn quanh với cái nghèo

Lấy chồng ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, những ông bố bà mẹ còn quá trẻ chưa chủ động được kinh tế, cũng chưa đủ hiểu biết về vai trò của mình trong gia đình và cách chăm sóc con cái nên cuộc sống chỉ quanh quẩn trong đói nghèo, vất vả và nhiều hệ lụy buồn khác.

Chị Nông Thị Thương, cán bộ chuyên trách dân số xã Cư Elang cho biết, trong số 259 hộ của buôn Vân Kiều có khoảng 70% là sinh con thứ 3 trở lên và tảo hôn. Nhiều hộ còn sinh tới 8, 9, thậm chí là 10 con.

Chị Nguyễn Thị Chuyền, cán bộ Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Ea Kar cho biết: Do tảo hôn, nhiều em gái mang thai khi cơ thể chưa hoàn thiện về tâm sinh lý gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe sinh sản và chăm sóc con cái. Trẻ sinh ra từ các gia đình tảo hôn thường bị suy dinh dưỡng thấp còi. Chưa kể, có những cặp vợ chồng “nhí” sau lấy nhau sinh liền 2 - 3 đứa con trong cảnh thiếu ăn triền miên. Đơn cử như trường hợp của D.K., cả gia đình 5 người hiện đang sống trong ngôi nhà tuềnh toàng, trống trơn dựng tạm trên khoảnh đất bố mẹ vợ cho mượn.

Được biết, thời gian qua Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Ea Kar đã tích cực đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi đến người dân trên địa bàn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, “điểm nóng” về sinh con thứ 3, tảo hôn như xã Cư Elang. Tuy nhiên, để xoá bỏ nạn tảo hôn và thay đổi quan niệm của người dân về sinh đẻ nhiều để có người nối dõi, có thêm lao động, ngoài những nỗ lực của ngành chức năng rất cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

 Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.