Multimedia Đọc Báo in

Dak Lak: 3 nhóm giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

06:51, 13/05/2013

 

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 2881 để thực hiện tốt Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cụ thể, ở nhóm giải pháp về quản lý, 3 nội dung chính được coi trọng là: đổi mới cơ chế, chính sách giáo dục; tăng cường công tác quản lý; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của giáo dục. Trong đó đáng chú ý là việc đổi mới phương thức quản lý hướng tới tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở kết hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm định chất lượng giáo dục; các ngành các địa phương phải vừa là những đơn vị dự báo và đề xuất chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, vừa là những đơn vị được giao kế hoạch đào tạo; đổi mới tư duy quản lý giáo dục theo hướng giáo dục là một ngành không chỉ đóng vai trò công ích mà còn cung cấp dịch vụ giáo dục đáp ứng nhu cầu của xã hội...

Nhóm giải pháp về những điều kiện bảo đảm cho phát triển giáo dục, gồm: tăng cường mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; tranh thủ và tăng nguồn lực tài chính; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trong nhóm giải pháp này, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc thành lập trường THCS chất lượng cao trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo để tuyển chọn học sinh có học lực tốt bậc THCS trong toàn tỉnh, tạo nguồn đào tạo học sinh giỏi quốc gia và quốc tế bậc THPT; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đào tạo đa ngành; tăng nguồn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, phấn đấu tỷ lệ huy động từ xã hội hóa giáo dục và đào tạo nhân lực khoảng 20-30% so với định mức ngân sách bằng các hợp đồng liên kết đào tạo, sản xuất.

Nhóm giải pháp về xã hội hoá giáo dục, tập trung vào 3 vấn đề chính: nâng cao nhận thức; huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục và tăng cường phối hợp giữa nhà trường với xã hội và gia đình học sinh.

Cũng theo kế hoạch này, UBND tỉnh nêu rõ quan điểm, đổi mới cơ chế, chính sách giáo dục phải phù hợp với địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trên một địa bàn; huy động mọi nguồn lực của xã hội vào phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.