Multimedia Đọc Báo in

Châu Nham Sơn và những hang động kỳ bí

07:23, 01/10/2018

Châu Nham Sơn là tên chữ của núi Đá Dựng, tên cổ là núi Bạch Tháp - một thắng cảnh đẹp, còn nhiều nét hoang sơ thuộc xã Mỹ Đức, TP. Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), cách biên giới Việt Nam - Campuchia chừng 4 km.

Trong “Hà Tiên thập vịnh”, “chủ soái” Tao Đàn Chiêu Anh Các, tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích đã miêu tả núi Đá Dựng qua bài vịnh có tựa đề  “Châu Nham Lạc Lộ” (Cò về núi Ngọc):

“Bóng ngọc mây đâm phủ núi non

Bay la bay lả trắng hoàng hôn

Góc trời thế trận giăng cây cỏ

Đóa ngọc hoa rơi khắp bãi cồn”.                                

Sách “Gia Định thành thông chí” do Trịnh Hoài Đức biên soạn có ghi về núi Đá Dựng như sau: “Núi Bạch Tháp ở phía Bắc núi Vân Sơn (Thạch Động) năm dặm, núi sông quanh co, cỏ cây rậm rạp, nhà sư Quy Nhơn là Hòa thượng Hoàng Đại Long vân du, cắm gậy ở đây. Năm Đinh Tỵ (1737), Túc Tông Hiếu Minh Hoàng Đế thứ 13, Hòa Thượng tịch, đồ đệ xây tháp bảy cấp để cất xá lợi. Hằng năm cứ đến ngày Tam  nguyên và Phật đản thì chim hạc đến múa, vượn xanh dâng quả, lưu luyến bồi hồi như có ý tham thiền nghe kệ, có thể gọi là cảnh chùa tiêu xái”.

Thắng cảnh Châu Nham Sơn.
Thắng cảnh Châu Nham Sơn.

Theo truyền thuyết dân gian, thuở đất Hà Tiên còn hoang sơ, cư dân Phù Nam cổ đã từng cư trú ở đây. Quân Xiêm và Chân Lạp thường sang đánh phá, cướp bóc  nên nhiều người mang ngọc ngà, châu báu chôn giấu trong các hang động quanh vùng núi Đá Dựng, dần dà do nhiều nguyên nhân, các của nả trên bị thất lạc theo thời gian. Khi Mạc Cửu đến khai mở đất Hà Tiên vào cuối thế kỷ 17,  thỉnh thoảng nông dân ở đây có nhặt được ngọc quý tại Đá Dựng, nên ông gọi là núi Châu Nham, nghĩa là “núi Ngọc”. Cò trắng là một loài chim sống tại Đá Dựng rất đông đảo, do môi trường sinh thái ở đây hoang dã với những cụm núi non xen kẽ đầm lầy, đồng cỏ năn và rừng cây bụi. Chính vì vậy, Mạc Thiên Tích mới có bài vịnh “Châu Nham Lạc Lộ”. Ngày nay khu vực chung quanh núi Đá Dựng vẫn còn rất nhiều cò.

Có thể nói, Châu Nham Sơn là tác phẩm kỳ vĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất Hà Tiên với nhiều câu chuyện truyền thuyết vẫn lưu truyền từ thuở xa xưa. Do đặc trưng cấu tạo, cấu trúc địa chất, cùng với sự xâm thực và tác động của thiên nhiên suốt thời gian dài nên trong lòng núi có rất nhiều hang động. Dù núi không cao,  không rộng nhưng có hơn 14 hang động lớn nhỏ.

Sau khi mua vé vào cổng kèm sơ đồ hướng dẫn, du khách bắt đầu cuộc hành trình du khảo quanh co men theo sườn núi, thâm nhập khám phá các ngóc ngách, hang động. Đường đi đến các hang động của núi Đá Dựng dài gần 1.300 m. Mỗi hang động mang một nét bí ẩn, lạ lùng. Hang Thần Kim Quy có khối đá dẹp hình con rùa; Hang Dơi có thạch nhũ hình bầu hồ lô. Ở động Bồng Lai, không khí luôn trong lành, ngước lên trên thấy mây bay vùn vụt như ở sát trên đầu bởi hang này ở trên cao và có những lỗ thông gió tự nhiên trên đỉnh. Trong hang Bồng Lai còn có hình bàn tay Phật in ở vách đá. Ở động Khổ Qua, bạn sẽ cảm thấy rất thú vị khi được ngắm nhìn những  thạch nhũ có dáng hình tựa như trái khổ qua khổng lồ. Ở động Sám Hối, bạn sẽ thấy một tượng đá to như hình một nhà sư đang cúi nhẹ đầu vào vách đá trầm tư. Vào hang Cổng Trời, bạn sẽ có cảm giác lạnh ngắt và hơi khó thở vì càng đi sâu, hang càng nhỏ dần, có một vài nơi bạn phải nghiêng mình lách qua vách đá tối tăm, cảm thấy hồi hộp, ngai ngái như đi sâu xuống lòng đất âm u, rồi bất ngờ hang đi dần lên cao và thông ra bên ngoài sáng trưng. Có những hang nối liền với nhau tạo thành  những “mê cung” với rất nhiều thạch nhũ muôn hình vạn trạng - nét đặc trưng của núi đá vôi bị xâm thực. Núi Đá Dựng giống như một tòa lâu đài đá vĩ đại, kiên cố với hàng trăm vọng pháo đài, hàng nghìn gác chuông thiên tạo. Các hang động nổi tiếng  như hang Bà Chúa Xứ, đặc biệt hang Trống Ngực khi bạn vỗ  tay vào ngực mình thì vách hang sẽ dội lại với thanh âm giống như tiếng trống “thùng thình”, ở hang Lầu Chuông có nhiều thạch nhũ mà khi gõ vào sẽ tạo nên  những tiếng ngân  nga trong vắt như tiếng chuông. Ngoài ra, còn rất nhiều nhũ đá, tượng đá mang vô số những hình thù kỳ lạ.

Lối mòn đến các hang động.
Lối mòn đến các hang động.

Tương truyền, Châu Nham Sơn cũng chính là nơi xuất phát câu chuyện Thạch Sanh - Lý Thông nổi tiếng trong dân gian. Người ta cho rằng hang động tên là “Cội Hàng Da” ở sườn núi Đá Dựng chính là nơi sinh sống xưa kia của Thạch Sanh. Trước cửa động có nhiều phiến đá ghép mí, chồng khít lại với nhau tạo thành một mái vòm tự nhiên. Một buổi sáng xa xưa huyền  thoại,  từ nơi đây, Thạch Sanh đã giương cung bắn chim đại bàng yêu tinh đang cắp nàng công chúa bay ngang qua núi Đá Dựng.

Cùng với “Hà Tiên thập cảnh”, núi Đá Dựng (Châu Nham Sơn) là nơi ghi lại nhiều sự kiện văn hóa, lịch sử mang dấu ấn thuở tiền nhân khai mở đất phương Nam, gắn liền với sự hình thành, phát triển của vùng đất Hà Tiên.

Hoàng Thám


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.