Multimedia Đọc Báo in

Người mang tiếng trống Đọi Tam lên Tây Nguyên

15:29, 29/09/2018

Là người con của làng trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) nức tiếng bao năm nay, nghệ nhân Đinh Văn Hải đã mang theo nghề trống lên “đánh” trên vùng đất Tây Nguyên.

Ông Hải sinh ra trong một gia đình 3 đời làm trống gia truyền, học hết trung học cơ sở thì theo cha đi khắp các tỉnh đóng trống thuê và được cha truyền dạy nghề làm trống. Năm 1995, ông Hải lập gia đình rồi đưa vợ vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp với hành trang là nghề làm trống đã học được. Tuy nhiên, do ở đây không có nhiều gỗ để làm trống, nên cách đây 10 năm, ông quyết định lên xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột mở xưởng làm nghề.

Ông Đinh Văn Hải đang chuốt lại tang trống.
Ông Đinh Văn Hải đang chuốt lại tang trống.
 

“Nghề trống Đọi Tam được duy trì theo kiểu cha truyền con nối, nhưng có những quy định rất khắt khe là chỉ được truyền cho con trai, không truyền cho con gái, con rể, con dâu. Người ngoài chỉ được tham gia phục vụ việc xẻ gỗ, quét sơn chứ không được làm tang hay mặt trống”.

 
 
Nghệ nhân Đinh Văn Hải

Theo nghệ nhân Đinh Văn Hải, để có được chiếc trống đẹp, bền và âm thanh ưng ý cũng rất vất vả và lắm công phu. Gỗ để làm tang trống chủ yếu là gỗ mít vì “đánh ít kêu nhiều”. Để có chiếc trống tốt thì yếu tố quan trọng nhất là mặt trống. Theo đó, mặt trống làm bằng da lưng của những con trâu già, được xử lý bằng “bí kíp” riêng của một vài nghệ nhận lão luyện nhất ở làng Đọi Tam. Cụ thể, da trâu phải bào thành miếng có độ dày, mỏng đều nhau, lớp da ngoài được dùng làm trống to, lớp da trong để làm trống nhỏ. Sau đó, da trâu được phơi dưới nắng gắt, mùa mưa thì phải hun khói hoặc sấy để da khô đều thì tiếng trống mới vang, ấm. Tiếp theo, căng mặt da lên thân trống cũng đòi hỏi phải có kinh nghiệm mới có thể tạo nên mặt trống phẳng, căng, chùng đều nhau. Không những thế, để tạo ra tiếng trống có âm đặc trưng của từng loại trống thì người thợ phải có khả năng thẩm âm và chỉnh tiếng nhạy bén, là bí kíp riêng của những người làm nghề. Cuối cùng, mặt trống được đóng đinh chốt được làm từ vầu (một loại cây thuộc họ tre) hoặc tre già, ngày nay có thể dùng ghim sắt thay thế. Riêng dây để buộc thân trống phải dẻo, bền, không chắp nối, nên ông phải tìm mua mây tận Bình Định, Đắk Nông để làm.

Hiện xưởng của ông Hải làm đủ các loại trống như: trống chùa, trống hội làng, trống trường, trống múa lân và trống cơm. Mỗi năm cơ sở của ông sản xuất hàng nghìn chiếc trống các loại, trong đó, cao điểm là mùa Trung thu và đầu năm học mới, với khoảng 1 nghìn sản phẩm. Trống do ông Hải làm không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà nhiều khách hàng tại Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp… cũng tìm đến đặt hàng. Bên cạnh làm các loại trống bình thường, thỉnh thoảng ông cũng nhận làm những chiếc trống “độc” bằng gỗ sao đen nguyên cây, tang liền (trống tang liền có tiếng vang, ấm hơn trồng làm bằng tang ghép). Ông đã từng làm chiếc trống tang liền với giá hơn 100 triệu đồng cho một nhà thờ ở TP. Hồ Chí Minh bằng gỗ sao đen, có đường kính 2 mét, dài 1,8 mét.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.