Multimedia Đọc Báo in

Thăng hoa cảm xúc cùng cồng chiêng

16:04, 13/02/2021

Sau khi Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại vào cuối năm 2005, chính quyền các tỉnh trong khu vực đã nỗ lực xây dựng và thực hiện nhiều chương trình (đề án) trọng điểm về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản tiêu biểu này.

Từ những nỗ lực ấy, được cộng đồng các dân tộc trên địa bàn hưởng ứng, đồng thuận, tạo nên sự lan tỏa ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng.

Âm vang cồng chiêng  Tây Nguyên.
Âm vang cồng chiêng Tây Nguyên.

Đến nay, các tỉnh trong khu vực đã tổ chức được 5 kỳ Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào các năm 2007, 2017 (tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk); năm 2009, 2018 (tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) và năm 2015 (tại TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Có thể nói, điểm nhấn của các kỳ Festival diễn ra ở đây đều gắn với nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ - và chính trong không gian “thiêng” ấy đã giúp mọi người cảm nhận đầy đủ, sâu sắc hơn về di sản này. Qua đó từng bước đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đúng với bản chất và tinh thần mà UNESCO đã vinh danh.

Tiếng chiêng trong nghi lễ cầu mưa của người Êđê ở huyện Ea H'leo.  Ảnh: Hữu Hùng
Tiếng chiêng trong nghi lễ cầu mưa của người Êđê ở huyện Ea H'leo. Ảnh: Hữu Hùng
"Mỗi kỳ Festival Văn hóa cồng chiêng được tổ chức, dù ở đâu thì việc gắn kết di sản này trong tập hợp thực hành văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc tại chỗ là vấn đề không thể bỏ qua. Trong không gian “thiêng” ấy, cồng chiêng mới có ý nghĩa thông đạt trọn vẹn giữa hiện thực và ước mơ, giữa con người với thế giới xung quanh”. 
Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aleô

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên nhận xét: Qua mỗi kỳ tổ chức Festival thì những giá trị cốt lõi của Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hiện ra đầy đủ, sinh động hơn. Gần đây nhất là 2 kỳ Festival được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột và TP. Pleiku (năm 2017 và 2018) cho thấy vốn văn hóa này đã được mọi người cảm nhận, ứng xử với thái độ hiểu biết và chân thật hơn, chứ không còn ước lệ nhạt nhòa như trước, làm mất đi bản chất, tính đa nghĩa của một giá trị văn hóa tiêu, đại diện nhất cho các cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Nói như Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aleô - nguyên Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk: Cồng chiêng được trả về nơi chốn sinh thành của nó là nghi lễ, lễ hội, phong tục và tín ngưỡng truyền thống. Ở đó, chức năng xã hội, tâm linh của cồng chiêng đã được khôi phục, đồng thời chức năng biểu hiện cảm xúc thông qua nghệ thuật trình diễn, gắn với hoạt động hát múa dân gian độc đáo và đặc sắc của nhiều tộc người ở đây cũng được chuyên chở, thăng hoa trong tâm hồn mọi người khi tham gia.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Y Kô Niê, từ năm 2017 - khi kỳ Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 - 2017, Đắk Lắk đã chú trọng đến việc khôi phục, tái hiện các lễ hội truyền thống gắn với sinh hoạt cồng chiêng như: Lễ cúng sức khỏe, mừng mùa, kết nghĩa anh em của người Êđê; Lễ lên nhà rông của người Bana; Lễ bắc máng nước của người Sê Đăng; Lễ chọc lỗ tra hạt của người M’nông; Lễ đón hồn lúa của người K'ho… nhờ vậy đã đưa mọi thành viên trong cộng đồng cũng như du khách thưởng lãm đến với giá trị cốt lõi của văn hóa cồng chiêng. Cũng từ Festival Văn hóa cồng chiêng lần này - không gian “thiêng” là nghi lễ, lễ hội được xác lập để nó trở nên gần gũi và giàu ý nghĩa hơn bằng cách để cho các đoàn nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia tự thân thể hiện, thực hành nếp văn hóa của dân tộc mình như bao đời nay cha ông họ đã làm mà không cần thông qua “kịch bản” được duyệt từ trước.

Đêm hội cồng chiêng. Ảnh: Hoàng gia
Đêm hội cồng chiêng. Ảnh: Hoàng gia

Ông Y Kô Niê cho rằng, chính điều đó đã góp phần đem lại thành công cho kỳ 2 Festival Văn hóa cồng chiêng gần đây, từ đó đã tạo ra cách tiếp cận cũng như cái nhìn đúng đắn về đời sống văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong bối cảnh giao lưu và hội nhập hiện nay. Hy vọng trong các kỳ Festival Văn hóa cồng chiêng sắp tới, không gian “thiêng” ấy tiếp tục được phục dựng, tái hiện để cồng chiêng phản ánh chân thực và sâu sắc về đời sống giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Đình Đối

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.