Multimedia Đọc Báo in

Người Chăm Islam ở An Giang trong tháng Ramadan

09:05, 25/04/2021

Người Chăm ở Việt Nam hiện nay có khoảng 150.000 người, sống rải rác ở các tỉnh thành khu vực Nam Trung Bộ và một bộ phận ở Nam Bộ.

Trong đó, với hơn 14.000 người, An Giang là tỉnh có số người Chăm đông thứ tư tại Việt Nam và đông nhất Nam Bộ. Nếu người Chăm Trung Bộ theo tôn giáo Bàlamôn hoặc Bàni (tôn giáo bản địa được sáng tạo dựa trên sự kết hợp Islam - Bàlamôn) thì người Chăm An Giang theo tôn giáo Islam (Hồi giáo) dòng Sunni.

Tháng thánh lễ Ramadan là tháng 9 trong Hồi lịch song nó không trùng với tháng 9 dương lịch mà mỗi năm mỗi thay đổi khác nhau. Ở Việt Nam trước nay quen sử dụng cụm từ “tháng chay Ramadan”, nhưng thực tế đây không phải là tháng ăn chay, mà là tháng nhịn ăn uống. Tháng Ramadan mang ý nghĩa chính là để người Islam trải qua cảnh đói khát, cơ cực từ đó biết thương xót và chia sẻ với những người nghèo khổ. Ngoài ra, đây còn là dịp để họ tỏ lòng biết ơn Allah, để nhắc nhở bản thân tiết chế không quá đam mê dục vọng, để tịnh tâm xem xét lại những lỗi lầm của mình...

Bữa cơm của cộng đồng người Chăm Islam
Bữa cơm của cộng đồng người Chăm Islam.

Ramadan là sự kiện quan trọng trong đời sống tôn giáo của người Chăm ở An Giang nên dù làm ăn buôn bán ở đâu họ cũng trở về quê nhà để thực hành nghi lễ và sum họp gia đình. Trước lễ, họ đến các nghĩa trang (bên cạnh các thánh đường) để tảo mộ người thân. Trong những ngày suốt tháng Ramadan, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn, các tín đồ từ 15 tuổi trở lên phải nhịn ăn uống, hút thuốc, quan hệ tình dục… Tuy nhiên, các công việc làm ăn vẫn diễn ra bình thường. Thành phần được miễn nhịn ăn uống là những người già yếu, bệnh tật, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc trong thời kỳ cho con bú, người đang du lịch hoặc công tác ở quốc gia không lấy Islam làm quốc giáo…

Mỗi ngày trước lúc mặt trời mọc, họ sẽ ăn bữa ăn đầu tiên trong ngày gọi là Suhoor, sau đó nhịn ăn uống cả ngày. Buổi tối khi có tiếng trống báo hiệu, mọi người trong cộng đồng cùng quây quần với nhau trong bữa ăn tối gọi là Ifar. Đây là bữa tiệc phong phú để cung cấp năng lượng cho tín đồ sau một ngày nhịn đói khát. Vào thời điểm này, các xóm Chăm như sôi động hẳn lên với những tiếng cười nói xôn xao. Đến khi tiếng trống lại vang lên báo hiệu ngày mới thì mọi việc ăn uống dừng lại.

Trong những ngày Ramadan, bên cạnh việc làm ăn sản xuất như ngày thường thì người Chăm đến hành lễ ở thánh đường nhiều lần hơn, cùng đọc kinh Quran và nghe giáo cả giảng đạo. Những người phụ nữ tập trung làm lễ tại nhà. Mỗi chiều khoảng 6 giờ, nam giới tập trung tại Masjid (thánh đường), ở đây có nấu sẵn cháo gà hoặc cháo vịt để tín đồ ăn lót dạ. Việc nấu đãi này diễn ra đều đặn suốt tháng Ramadan và cứ sau mười ngày nhịn thì chế độ chiêu đãi lại được tăng cao hơn. Bên cạnh đó, vào buổi chiều tối mỗi ngày, những người hàng xóm thường đến nhà thăm hỏi lẫn nhau và ăn uống cùng nhau. Không chỉ thế, tháng Ramadan của người Chăm ở An Giang tràn ngập không khí sẻ chia, với nhiều điểm phát suất ăn miễn phí cho người nghèo vào sáng sớm và chiều tối mỗi ngày.

Một buổi cầu nguyện của tín đồ Islam.
Một buổi cầu nguyện của tín đồ Islam.

Kết thúc tháng Ramadan, cộng đồng Chăm tổ chức lễ Rja vào ngày 1 tháng 10 Hồi lịch, mang ý nghĩa là ngày xả chay và bố thí cho người nghèo. Đồng thời từ ngày 1 đến 3 tháng 10, họ đi thăm hỏi và tặng quà cho nhau, chúc mừng nhau đã vượt qua tháng Ramadan, xin tha thứ cho nhau những điều lầm lỡ… Mỗi gia đình chuẩn bị sẵn nhiều món đặc sản để đãi khách đến thăm. Đây là những ngày vui nhất trong năm của người Chăm ở An Giang, được xem gần như là ngày Tết của họ. Tháng Ramadan thiêng liêng kết thúc trong niềm hân hoan của cả cộng đồng, đã góp phần giúp họ tăng thêm tình yêu thương với những người nghèo đói, đồng thời rèn luyện phẩm hạnh cho con người, tiết chế những cám dỗ vật chất tầm thường.

Thiện Phúc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.