Multimedia Đọc Báo in

Chuyện bình xét danh hiệu Anh hùng của ông Đinh Núp

11:45, 26/12/2021

Được phong Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1955, ông Đinh Núp (1914 - 1999) là hình ảnh đại diện của những người dân tộc thiểu số Tây Nguyên đứng lên chống Pháp.

Có ý kiến cho rằng văn học, nghệ thuật - cụ thể là tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc và ca khúc “Hát mừng Anh hùng Núp” của nhạc sĩ Trần Quý đã chắp cánh thêm cho tên tuổi của Anh hùng Núp. Điều này không phải không có lý, nhưng hẳn là chưa nhiều người biết vào năm 1952, có một người đứng đầu Liên khu 5 khi ấy đã kiên quyết bảo vệ và ông Đinh Núp có được vinh dự này.

Người làm việc ấy chính là ông Nguyễn Chánh (1914 - 1957), Bí thư Liên khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5 (gồm các tỉnh Nam Trung bộ, trong đó có Đắk Lắk), khi mới 37 tuổi. Quê ở Quảng Ngãi, từng bị giam trong Nhà đày Buôn Ma Thuột khá lâu trước khi là người lãnh đạo du kích Ba Tơ năm 1945, chính ông Chánh cũng là người đã ra mệnh lệnh đặc biệt “đánh theo lệnh của người chỉ huy” để Trung đoàn 96 xóa sổ Binh đoàn cơ động 100 (GM 100) của Pháp tại Đắk Pơ (Gia Lai) ngày 24/6/1954. Theo tài liệu lịch sử, từng là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, lẽ ra ông Nguyễn Chánh được phong quân hàm cấp tướng trong đợt đầu tiên vào năm 1958, nhưng đáng tiếc, ông đã đột ngột ra đi ngày 24/9/1957, ở tuổi 43. Đây chính là lý do khiến những người yêu quý tài năng và đức độ của vị cán bộ mẫu mực Nguyễn Chánh tôn xưng ông là “vị tướng không quân hàm” với tất cả sự kính trọng.

Trong một bài viết mang tính hồi ức in cuốn “Nguyễn Chánh – Con người và sự nghiệp” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 1997), Trung tướng Nguyễn Đường kể lại nhiều kỷ niệm sâu sắc với Tư lệnh Nguyễn Chánh. Theo đó, năm 1952, trong Đại hội chiến sĩ thi đua Liên khu 5, ông Nguyễn Chánh phụ trách chung, trực tiếp chỉ đạo mọi việc; ông Nguyễn Đường được giao lo phần nội dung, tức là chọn cho được những chiến sĩ xứng đáng nhất của Liên khu, tuyên truyền và tổ chức đại hội. Tại đây, ông Nguyễn Đường đã chứng kiến sự quyết định chính xác của Tư lệnh Nguyễn Chánh trong việc xét chọn các chiến sĩ thi đua, đặc biệt là đối với trường hợp ông Đinh Núp.

Anh hùng Núp. Ảnh tư liệu

Theo ông Nguyễn Đường kể lại, chiến sĩ thi đua được lựa từ cơ sở, bình chọn kỹ lưỡng rồi báo cáo lên trên để chọn lọc, đưa ra biểu dương tại đại hội. Trước đó, cơ quan chính trị tổng hợp và xem xét từng người, chỗ nào chưa rõ phải xuống tìm hiểu, kiểm tra; cuối cùng tổ chức cuộc họp thông qua tập thể và Tư lệnh Nguyễn Chánh là người quyết định.

Khi xem xét trường hợp Đinh Núp - du kích người Bana tỉnh Gia Lai - trong cuộc họp, có một số phát biểu phân vân về trình độ học vấn và lý luận của ông. Nghe xong, Tư lệnh Nguyễn Chánh nói, đại ý: Học vấn và lý luận hết sức cần thiết, nhưng lòng căm thù, sự kiên quyết, lòng dũng cảm, dám hy sinh để đánh giặc, bảo vệ nhân dân cũng vô cùng cần thiết. Đinh Núp đã biết lo cho người dân, động viên nhân dân dùng vũ khí thô sơ đánh giặc, mấy lần dời làng, biết đốt tranh ăn thay muối… Đó là hiểu biết, là lý luận, là thực tế. Vị tư lệnh trẻ tuổi kết luận như vậy và nói thêm: “Tất nhiên còn cần có lý luận cao hơn nữa, nhưng phải chính từ những hiểu biết và hành động cụ thể thiết thực như thế mà đúc kết lại thành lý luận cao hơn…”.

Theo Trung tướng Nguyễn Đường, lý lẽ và sự phân tích của Tư lệnh Nguyễn Chánh đã thuyết phục được toàn thể cuộc họp ấy. Liền đó, mọi người nhất trí chọn du kích Đinh Núp là chiến sĩ thi đua. Sau này, Anh hùng Núp trở thành một nhân vật xuất sắc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là đối các dân tộc Tây Nguyên, đúng như Tư lệnh Nguyễn Chánh đã tiên đoán từ rất sớm.

Đọc bài viết ngắn của Trung tướng Nguyễn Đường trong cuốn sách dày ngót 600 trang về một con người tài năng và cao thượng, càng thấy tầm vóc lớn lao của Tư lệnh Nguyễn Chánh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Liên khu 5. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét, đó “là chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người chỉ huy nghiêm khắc, quyết đoán, nhưng cũng lại là một con người cởi mở, nhân hậu, giản dị, biết linh hoạt trong ứng xử, ăn ở thủy chung với đồng chí, đồng bào”.

Nguyễn Quang Tuệ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.