Multimedia Đọc Báo in

Yếu tố thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám

10:28, 25/08/2022

Gần 80 năm đã trôi qua kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (8/1945 - 8/2022), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Càng suy ngẫm về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cuộc cách mạng đánh dấu sự biến đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử dân tộc ta, chúng ta càng thấy sáng ngời những bài học về tài năng nhận định, tận dụng và chớp đúng thời cơ để giành lấy độc lập, trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tiên tri, đồng thời là một nhà chính trị, quân sự tài ba và mẫn cảm.

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh được xem là một nhà tiên tri có khả năng nắm trước thời cơ lịch sử. Bởi ngày 21/11/1941, trên báo Việt Nam độc lập (số 113), Nguyễn Ái Quốc đã viết bài “Thế giới đại chiến và phận sự của dân ta”, Người đã mẫn cảm dự đoán “độ 4 đến 5 năm nữa ở nước ta chiến tranh sẽ tới bước quyết định, mà lúc ấy là cơ hội rất tốt cho cách mạng nước ta”. Do đoán trước được thời cơ, Người đã chỉ đạo Trung ương Đảng chủ động triển khai mọi mặt để có điều kiện khởi nghĩa khi thời cơ đến. Đồng thời, Người đã kiên quyết ra lệnh hoãn kế hoạch phát động cuộc chiến tranh du kích của Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, vì “Chủ trương phát động chiến tranh du kích Cao - Bắc - Lạng là mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể trong cả nước, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục”. Chính sự quyết định sáng suốt đó đã giúp cho Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng tránh được những tổn thất lớn khi thời cơ và điều kiện chưa thật sự chín muồi. Song, Hồ Chí Minh đã tích cực vạch kế hoạch, đẩy nhanh công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, chỉ thị cho thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22/12/1944 (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam), nhằm tăng cường hoạt động vũ trang tuyên truyền mà theo Người nhận định “Bây giờ thời cơ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời cơ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn cứ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị lên hình thức quân sự. Phải tìm ra hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”.

Nhờ đoán trước được thời cơ, mọi chủ trương, đường lối, kế hoạch chỉ đạo của Đảng đã được cụ thể hóa và chuẩn bị trong một thời gian khá dài, bắt đầu từ Hội nghị Trung ương V (11/1939) cho đến Hội nghị Trung ương VIII (5/1941), phần nào thể hiện tài năng nhạy bén, tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lệnh khởi nghĩa (Quân lệnh số 1). Ảnh tư liệu

Đồng thời, Hồ Chí Minh còn là một nhà chính trị và quân sự thao lược, biết chọn đúng thời cơ lịch sử để lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành độc lập. Tháng 3/1945, tình hình chiến sự thế giới và trong nước diễn biến nhanh chóng, phát xít Nhật hất cẳng Pháp để độc chiếm Đông Dương (9/3/1945). Nhận định tình hình khởi nghĩa chín muồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tranh thủ sự xung đột giữa các thế lực thù địch trong nước lúc này đang xâu xé lẫn nhau. Cho nên, ngày 12/3/1945 Trung ương Đảng đã ban bố Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đây là một văn kiện lịch sử có ý nghĩa chỉ đạo phù hợp với tình hình cách mạng đặt ra.

Để đẩy nhanh cao trào cứu nước, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (từ ngày 13 đến 15/8/1945) đã quyết định toàn dân khởi nghĩa vũ trang; Ủy ban khởi nghĩa cấp tốc ra Quân lệnh số 1 với khẩu hiệu “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội ngàn năm có một cho nhân dân Việt Nam vùng dậy giành độc lập nước nhà”. Tiếp đến, sáng 15/8/1945, được tin Nhật Hoàng hạ lệnh đầu hàng quân Đồng minh, thời cơ thuận lợi này càng thêm thôi thúc Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng bộ Việt Minh đi đến quyết định triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân tại Tân Trào (16/8/1945). Toàn thể đại hội nhận thấy thời cơ cách mạng đã đến, nên đã thống nhất hạ lệnh Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước trước khi quân đội Đồng minh vào Đông Dương. Đại hội đã nhanh chóng thông qua Nghị quyết Tổng khởi nghĩa cùng 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Đại hội cũng chọn Quốc kỳ, Quốc ca và thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng (Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngày 19/8/1945, sau cuộc mít-tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, quần chúng nhân dân Hà Nội đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Ảnh tư liệu

Ngay sau đó, trong thư kêu gọi quốc dân, đồng bào, Người chỉ rõ “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể quốc dân đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Chúng ta không được chậm trễ”. Quyết tâm chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền càng được Hồ Chí Minh thúc giục “Lúc này thời cơ giành thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, đồng thời Người tuyên thệ trước nhân dân “Dù hy sinh đến giọt máu cuối cùng quyết không lùi bước”.

Nhờ đoán được thời cơ, biết chọn đúng thời cơ nên quá trình chuẩn bị cách mạng rất chu đáo; cộng với ý chí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Hồ Chủ tịch, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra thắng lợi trên phạm vi cả nước. Đó thật sự là một thành quả to lớn. Sự Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã đưa dân tộc Việt Nam bước sang một thời đại mới - Thời đại độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.  

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.