Multimedia Đọc Báo in

Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” và dự báo thiên tài của Bác Hồ

08:29, 26/12/2022

Không phải đến cuối năm 1972, mà từ những năm 1965, khi đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam, tiến hành “chiến tranh cục bộ”, chúng đã bắt đầu sử dụng lực lượng ném bom chiến lược B-52 trên chiến trường.

Cuối năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa, ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Niềm tin và ý chí quyết tâm sắt đá vào thắng lợi được Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân lên thành sức mạnh chính trị, tinh thần, biến thành ý chí, quyết tâm chiến thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Tháng 4/1972, khi Mỹ tiếp tục cuộc “chiến tranh phá hoại” miền Bắc, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã nhận định rõ tính chất leo thang phá hoại của chúng. Xác định Hà Nội sẽ là mục tiêu bắn phá cuối cùng để hòng gây sức ép với ta trên chiến trường miền Nam và trên bàn đàm phán trong Hội nghị Paris. Chính từ những nhận định chiến lược đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, ta đã chủ động triển khai thế trận, phương án, cách đánh B-52.

Bác Hồ thăm bộ đội Không quân nhân dân Việt Nam. Ảnh tư liệu

Quân đội đã tập trung nghiên cứu kỹ thuật cách đánh thắng B-52, xây dựng được lực lượng phòng không, không quân ngang tầm nhiệm vụ; triển khai huấn luyện chu đáo để thực hiện các phương án toàn diện chống địch tập kích B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, các thành phố, các trung tâm kinh tế và đầu mối quan trọng trên miền Bắc. Đặc biệt, cuốn sách “Cách đánh B-52” của bộ đội tên lửa với 30 trang đánh máy, là sự tổng hợp, đúc kết kinh nghiệm trong quá trình gần 7 năm chiến đấu với B-52 và các thủ đoạn của không quân Mỹ.

Rõ ràng về mặt chiến lược, ta đã chủ động, điều đó thể hiện trong cuộc họp của Bộ Quốc phòng (tháng 11/1972), Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Mỹ cho B-52 đánh Thủ đô Hà Nội - linh hồn của cuộc kháng chiến, sẽ là hành động gây sức ép cuối cùng để buộc chúng ta phải nhân nhượng. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng chúng trên bầu trời Thủ đô. Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng ra lệnh: “Phải hoàn thành nhiệm vụ công tác chuẩn bị trước ngày 3/12/1972” và dặn thêm: “Trước ngày Níchxơn nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng, các đồng chí phải nắm địch thật chắc. Tuyệt đối không để bị bất ngờ..., phải tập trung mọi khả năng nhằm đúng đối tượng B-52 mà tiêu diệt”.

Đầu tháng 12/1972, đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội. Quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân, phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”. Như vậy, với sự lãnh đạo kịp thời của Trung ương Đảng, quân và dân miền Bắc đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng đương đầu với những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù.

Đúng như dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 16/4/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn ra lệnh thực hiện kế hoạch dùng B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố, thị xã lớn miền Bắc. Ngày 10, 13 và 16/4/1972 chúng cho B-52 đánh ra Vinh, Thanh Hóa và Hải Phòng. Do ta có sự chủ động chuẩn bị trước quyết tâm chiến lược và các kế hoạch đánh B-52, cũng như sơ tán nhân dân và tài sản của Nhà nước ra khỏi vùng của địch đánh phá nên giữ vững thế chủ động.

Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp phê chuẩn “Kế hoạch chiến dịch phòng không đánh trả cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng”. Đây là một kế hoạch đặc biệt quan trọng, chưa từng có trên thế giới có ý nghĩa quyết định đến chiến thắng B-52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng, đồng thời thể hiện bước phát triển mới, đầy sáng tạo trong tư duy nghệ thuật quân sự của Đảng và quân đội ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô ngày 25/9/1966. Ảnh tư liệu

Ngày 27/11/1972, Quân ủy Trung ương chỉ thị cho các lực lượng vũ trang toàn miền Bắc “tăng cường sẵn sàng chiến đấu”, kiểm tra và hoàn chỉnh thêm mọi công tác chuẩn bị chiến đấu, kế hoạch tác chiến và phòng tránh, sơ tán nhân dân… Chỉ thị của Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: Nhiệm vụ trung tâm đột xuất trước mắt của Quân chủng Phòng không - Không quân là tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chính là B-52 mà tiêu diệt.

Như vậy, với việc Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt, kịp thời dự báo sớm khả năng đế quốc Mỹ sử dụng B-52 đánh Hà Nội, Hải Phòng và các trọng điểm khác trên miền Bắc có ý nghĩa quan trọng về mặt chuẩn bị yếu tố chính trị, tinh thần cho quân và dân miền Bắc nước ta. Trong suốt 12 ngày đêm, quân và dân ta chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chính phủ ta không di chuyển vị trí, vẫn ở tại Thủ đô trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến, cùng quân và dân Hà Nội chiến đấu, chiến thắng giặc Mỹ xâm lược. Mặc dù bị tổn thất, mất mát to lớn do máy bay B-52 rải thảm khu dân cư, bệnh viện, trường học… nhưng ý chí chiến đấu, quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân ta vẫn không hề nao núng. Bằng đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, chúng ta đã xây dựng được một thế trận phòng không nhân dân rộng khắp tạo thành một sức mạnh to lớn để đánh thắng.

Có thể nói, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là sự hiện thực hóa dự báo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là thành công lớn trong chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng. Vì vậy, khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không, chủ yếu bằng máy bay B-52 tập trung vào Hà Nội, Hải Phòng, ta không bị bất ngờ; ngược lại, còn chủ động hoàn toàn cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật; sớm có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, cả tinh thần và lực lượng, phối hợp chặt chẽ giữa quân sự và ngoại giao.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.