Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa phong trào học tập suốt đời

08:34, 05/10/2021

Thời gian qua, phong trào học tập suốt đời đã phát triển sâu rộng tại các địa phương trong tỉnh, góp phần nâng cao dân trí, tạo nên một xã hội phát triển bền vững.

Xã Hòa Khánh được Hội Khuyến học TP. Buôn Ma Thuột chọn thực hiện thí điểm mô hình công dân học tập (CDHT). Trong các mô hình học tập, việc xây dựng CDHT được xem là bước khởi đầu quan trọng nhất.

Để có được các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập, trước hết phải có những CDHT.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên sau một thời gian ngắn thí điểm mô hình, nhận thức về việc học của công dân trên địa bàn tăng lên. Đặc biệt nhiều người cao tuổi đã cố gắng tiếp cận công nghệ, sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh để khai thác thông tin.

Ông Đặng Hữu Thược ở thôn 8 (xã Hòa Khánh) là một trong 10 công dân của xã tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện thí điểm mô hình CDHT. Từ khi tham gia mô hình, ông Thược dành nhiều thời gian tự học, biết cách khai thác thông tin bổ ích, vận dụng linh hoạt vào cuộc sống.

Ông Thược tâm sự: "Trước đây, mọi người quan niệm việc học là dành cho con trẻ thì hiện nay đã dần thay đổi suy nghĩ, càng nhiều tuổi càng phải học, học suốt đời và học không ngừng nghỉ, phải là tấm gương sáng để con cháu noi theo".

Dù gặp nhiều khó khăn khi thao tác trên thiết bị điện tử nhưng hằng ngày ông Thược vẫn đánh văn bản và trao đổi thông tin qua Zalo, Facebook. Nhờ mạng xã hội, ông Thược liên lạc thuận tiện với bạn bè, con cháu.

Ông Đặng Hữu Thược ở xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) sử dụng thành thạo máy tính.

Cũng như ông Thược, ông Vũ Như Huy ở thôn 17 (xã Hòa Khánh) đã gần 75 tuổi vẫn thường xuyên truy cập mạng Internet hằng ngày để xem các chương trình ca nhạc, tin tức thời sự, các bài thuốc dân gian chữa bệnh...

 

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021 được phát động trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 1 đến 7-10-2021. Các hoạt động trong Tuần lễ sẽ tập trung đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động thông tin, tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc cung ứng cơ hội học tập suốt đời cho mọi người trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Nếu như trước đây ông Huy chỉ quen dùng điện thoại “màn hình trắng đen” thì hiện nay ông đã sử dụng thành thạo các chức năng cơ bản của chiếc điện thoại thông minh và những ứng dụng mạng xã hội.

Ông Huy cho biết: “Chiếc điện thoại này là con trai mua cho. Ban đầu tôi thấy khó sử dụng, điện thoại to cầm không quen tay, chức năng phức tạp... Nhưng được các con hướng dẫn, tôi dùng vài tuần rồi cũng quen.”.

Bên cạnh các CDHT, hiện nay phong trào khuyến học, khuyến tài đã lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và hình thành nhiều mô hình. Gia đình bà H’Nhé Byă ở buôn Ea Tiêu (xã Ea Tiêu) là điển hình trong phong trào xây dựng gia đình học tập của huyện Cư Kuin.

Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng vợ chồng bà H’Nhé đều quyết tâm phải nuôi dạy con học hành tử tế. Để làm gương cho các con, bà H'Nhé tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện tổ chức, từ đó mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Sự cần mẫn, ham học của bà H’Nhé đã giúp kinh tế gia đình ngày càng ổn định, đồng thời tác động tích cực đến việc học tập của các con.

Đến nay 6 người con của bà đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Với những thành tích học tập của các con cùng việc tự học của mình, mới đây bà H'Nhé vinh dự được nhận Giấy khen của UBND huyện.

Gia đình bà H'Nhé Byă ở xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) tự hào với danh hiệu “Gia đình học tập”.

Không riêng gia đình bà H’Nhé, ở huyện Cư Kuin còn có nhiều gia đình tiêu biểu trong phong trào học tập, có thể kể đến như: ông Nguyễn Tấn Đức (xã Hòa Hiệp); ông Đặng Hải Đoàn (xã Ea Ning); dòng họ Nguyễn Hữu (xã Dray Bhăng)...

Ông Hà Ngọc Đào, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, thời gian qua việc triển khai, xây dựng các phong trào học tập suốt đời đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Việc phát triển các mô hình học tập đã góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho địa phương, hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội học tập.

Hiện nay, toàn tỉnh có 62,3% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; 58,32% dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”; 72% thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận “Cộng đồng học tập”. 88,6% đơn vị được công nhận “Đơn vị học tập”.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc