Multimedia Đọc Báo in

Thu hút đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế khu vực biên giới

14:57, 16/08/2021

Ngày 16-8, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển kinh tế khu vực biên giới. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì tại đầu cầu Trung ương.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Theo Bộ Công thương, Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 4.924 km, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Thời gian qua, tình hình an ninh, quốc phòng khu vực biên giới được bảo đảm, tạo nền móng vững chắc cho kinh tế phát triển.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của các tỉnh biên giới. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, tất cả các địa phương biên giới tăng trưởng vượt mức bình quân chung của cả nước; 13/25 tỉnh khu vực biên giới có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp hơn 9,3%. Quan hệ qua biên giới được các tỉnh duy trì tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan, thương mại không bị gián đoạn…

Tuy nhiên, theo đánh giá tại hội nghị, phát triển kinh tế khu vực biên giới vẫn còn nhiều hạn chế như: thương mại biên giới quy mô nhỏ, mất cân đối; nguồn vốn đầu tư hạ tầng hạn chế, nhất là hạ tầng thương mại còn thiếu và yếu; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn ra phức tạp…

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận hội nghị (ảnh chụp lại màn hình)
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh chụp lại màn hình)

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kinh tế cửa khẩu được duy trì hiệu quả đã góp phần hạn chế hàng hóa, nông sản bị ùn tắc do dịch bệnh COVID-19. Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cũng như các tỉnh biên giới cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế vùng biên giới, gắn với lợi thế của từng khu vực. Có cơ chế, chính sách đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển biên giới; kịp thời nâng cấp và mở mới các cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của nhân dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới. Đồng thời, nâng cao năng lực thị trường xuất khẩu và xúc tiến thương mại; thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào khu vực biên giới để tạo động lực phát triển kinh tế khu vực này…

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc