Multimedia Đọc Báo in

Kiến thiết nâng tầm Buôn Ma Thuột

08:45, 15/08/2021

Nhằm xây dựng, phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị mang tầm vóc hiện đại trong tương lai, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết 05-NQ/TU về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hướng đến đô thị hiện đại, đậm bản sắc

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27-11-2009 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên (giai đoạn 2010 - 2020)”, Buôn Ma Thuột đã có những bước tiến đáng kể, ngày càng định hình là đô thị lớn nhất Tây Nguyên.

Tuy nhiên, thành phố phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu của đô thị trung tâm vùng, đặc biệt là quy hoạch khu dân cư, đất đai; thiếu cơ chế, chính sách đột phá để thu hút nguồn lực như đầu tư, tài chính, đất đai…

Cần một tầm nhìn chiến lược để kiến thiết Buôn Ma Thuột xứng tầm là trung tâm vùng Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia

Quyết tâm của Đảng bộ tỉnh về xây dựng Buôn Ma Thuột đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là đưa thành phố phát triển toàn diện, bền vững, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ, giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị thông minh, sớm trở thành đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên. Theo đó, việc phát triển kinh tế - xã hội dựa trên cơ sở đổi mới mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng phát triển ngành dịch vụ, công nghiệp. Đồng thời, hình thành các khu trung tâm về công nghiệp chế biến, công nghiệp phần mềm, năng lượng sạch, dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ. Với nhiều dư địa hiện tại, giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Buôn Ma Thuột có thể đạt trên 11%/năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 125.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng đạt 13%/năm, tổng vốn đầu tư 240.000 tỷ đồng.

Cùng với sự hiện đại, yếu tố “xanh” là một phần cốt lõi trong diện mạo của Buôn Ma Thuột thời gian tới. Trong diện mạo ấy, hệ thống đô thị và nông thôn được quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trên cơ sở gìn giữ giá trị văn hóa bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên. Buôn Ma Thuột được xác định là đô thị xanh, sinh thái và bản sắc riêng trên cơ sở hoàn thiện không gian xanh công cộng, không gian xanh ven sông, suối đô thị, không gian bến nước, gắn với việc bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, diện tích cây xanh được tăng lên, hình thành vành đai cây xanh quanh thành phố; đồng thời, cải tạo các dòng suối, hồ nước trong lòng thành phố để tạo nên một diện mạo đô thị xanh, sinh thái đặc trưng.

Ngã sáu Buôn Ma Thuột trong mùa lễ hội. Ảnh: Minh Thông

Thêm nguồn lực cho phát triển

“Bên cạnh tầm nhìn xa, TP. Buôn Ma Thuột cần cơ chế riêng, đặc thù trong quá trình phát triển. Theo đó, tỉnh cần kiến nghị với Trung ương cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù trên cơ sở đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, bộ máy quản lý hành chính nhà nước và phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh, thành phố, nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên các lĩnh vực: tài chính, đầu tư - đầu tư công, đất đai và nguồn nhân lực” - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường

Giải pháp quan trọng được Đảng bộ tỉnh đưa ra cho mục tiêu phát triển TP. Buôn Ma Thuột là tăng cường thu hút nguồn lực, triển khai các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm. Cụ thể, ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng số và hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh; kết nối hệ thống giao thông TP. Buôn Ma Thuột với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế, qua đó tạo nền tảng vật chất để thành phố thực sự trở thành đô thị trung tâm và là cực tăng trưởng của vùng. Muốn vậy, địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, dự án tạo đột phá như: đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Nha Trang, Buôn Ma Thuột - Liên Khương, đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế và xây dựng các cảng cạn phục vụ vận tải đa phương thức…

Bên cạnh đó, TP. Buôn Ma Thuột cần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư gắn với phát triển các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực có thế mạnh. Cụ thể, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và khuyến khích các nhà đầu tư lớn tham gia phát triển hạ tầng dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, viễn thông. Ngoài ra, tiếp tục đẩy nhanh quá trình đô thị hóa theo hướng bền vững, gắn kết tốt các loại hình giao thông đối ngoại và kết hợp với việc khai thác sử dụng đất đô thị để hình thành các trung tâm mới là các đô thị thương mại lớn gắn với các dịch vụ phục vụ cho nông nghiệp, logistics, khoa học...

TP. Buôn Ma Thuột đang hướng đến là một đô thị hiện đại, giàu bản sắc. Ảnh: Hoàng Gia

Cùng với thu hút nguồn lực bên ngoài, TP. Buôn Ma Thuột phải tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở phát triển hạ tầng giáo dục, đào tạo theo hướng đồng bộ, hiện đại và chú trọng phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, có chất lượng cao, phù hợp với xu thế phát triển mới và đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.