Multimedia Đọc Báo in

Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

16:55, 17/09/2021

Sáng 17-9, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trong bối cảnh dịch COVID-19. 

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan.

ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Trong 8 tháng năm 2021, mặc dù ngành chăn nuôi cả nước đối diện với nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên đàn vật nuôi phát triển khá ổn định, với tổng đàn trên 515 triệu con gia cầm, 26,67 triệu con lợn, 6,3 triệu con bò... Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt trên 4,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm cũng đã xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Đáng chú ý, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 99 xã, 29 tỉnh, thành, buộc tiêu hủy 373.043 con; dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 1.498 xã của 50 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 93.261 con; bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 86 xã của 18 tỉnh, thành phố, tổng số gia súc mắc bệnh 3.373 con; bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 3.936 xã của 51 tỉnh thành phố, số gia súc buộc phải tiêu hủy 187.970 con.

Bộ NN-PTNT đã xuất cấp cho các địa phương 90 nghìn liều vắc-xin, 279 nghìn lít hóa chất phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm và 380 tấn hóa chất phòng dịch bệnh thủy sản. Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, thời gian tới nguy cơ phát sinh, lây lan dịch cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8; bệnh dịch tả lợn châu Phi; bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tai xanh... là rất cao.

Tại Đắk Lắk, từ đầu năm 2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 36 xã, phường của 13/15 huyện, thị xã, thành phố, với 1.225 con; bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 128 xã của 15/15 huyện, thị xã, thành phố, với trên 2.173 con trâu, bò mắc bệnh; các bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm và các bệnh khác trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát.

ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, giải pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; cũng như các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Mặc dù phải đối mặt với nhiều dịch bệnh trên động vật và bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, song ngành chăn nuôi, thủy sản vẫn đạt kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển của đất nước. Để ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ nền kinh tế đất nước trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, các tỉnh, thành phố cần tập trung nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định; bám sát các mục tiêu để duy trì tốc độ chăn nuôi. 

Đối với những cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT phải bám sát các chương trình, kế hoạch về chăn nuôi, thú y, phòng chống dịch bệnh động vật để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó, tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; khẩn trương tổ chức tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi theo kế hoạch và tiếp tục xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tại các địa phương; hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi mới, hiện đại, đồng bộ. Ngoài ra, Cục Chăn nuôi cần tổ chức tốt các khâu chăn nuôi, nhất là về con giống, để tránh thiếu hụt thực phẩm trong thời điểm cuối năm. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối để thúc đẩy tiêu thụ đối với những sản phẩm chăn nuôi đang tồn đọng tại các địa phương…  

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.