Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H’leo: Gia tăng giá trị từ phát triển các sản phẩm OCOP

07:57, 07/10/2022

Huyện Ea H’leo từ lâu được biết đến là nơi có nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như cà phê, tiêu, chôm chôm, vải, mắc ca, dưa lưới, mật ong…

Phát huy điều này, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, chương trình này đã lan tỏa rộng, nhiều sản phẩm OCOP của huyện Ea H’leo khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Thay đổi tư duy sản xuất

Ông Nguyễn Đình Trung, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo cho hay, xác định tham gia Chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị nông sản nên ngay từ những ngày đầu triển khai, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể, địa phương tổ chức hơn 10 lớp tập huấn, tuyên truyền lồng ghép các nội dung về Chương trình OCOP với hàng trăm lượt người tham gia. Nhờ đó, nhận thức của người dân về chương trình được nâng lên rõ rệt so với khi mới triển khai. Bên cạnh đó, UBND huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các chủ thể tham gia về những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm; phối hợp với Sở NN-PTNT tổ chức tập huấn cho người dân trong việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bảo đảm đúng quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP…

Chị Lương Thị Oanh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Ea Wy đang chế biến cà phê bột.

Chương trình OCOP đã tạo cơ sở để phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển sản phẩm của địa phương, tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. Khi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất và người nông dân đều có ý thức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn, thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn, nhất là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp

 

Huyện Ea H’leo hiện đã xây dựng được 6 sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao, gồm: Cà phê rang xay A Ma Thuột, Mật ong Hoa Cà Phê A Ma Thuột, Rượu trắng Bà Nghiệp, Cà phê bột Ea Wy, Hồ tiêu hạt Ea Wy, Cà phê bột  Ea Nam.

Năm 2018, khi huyện Ea H’leo triển khai thực hiện Chương trình OCOP, HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy (thôn 6, xã Ea Wy) được xem là đơn vị đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. HTX hiện có 16 hộ thành viên, 105 hộ liên kết, với vùng nguyên liệu ổn định trên 200 ha cà phê xen canh hồ tiêu và các loại cây ăn trái khác. Năm 2019, HTX đăng ký tham gia Chương trình OCOP với hai sản phẩm là cà phê bột rang xay và hồ tiêu hạt. Đồng thời, được sự hướng dẫn từ cán bộ chuyên môn của huyện, HTX chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chất lượng và an toàn thực phẩm… Năm 2020, hai sản phẩm, gồm: Cà phê bột Ea Wy và Hồ tiêu hạt Ea Wy của HTX đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Bà Lương Thị Oanh, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy cho hay, trước đây, nông sản làm ra chỉ bán thô cho các đại lý trong vùng nên thường bị ép cấp, ép giá. Đến nay, HTX đã liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và được một số công ty xuất khẩu cà phê, tiêu trong tỉnh thu mua có trợ giá từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với giá thị trường. Ngoài ra, HTX còn chế biến thành sản phẩm OCOP để bán trực tiếp đến các quán cà phê, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh (bình quân mỗi tháng bán 3 tạ cà phê bột, 2 tạ hồ tiêu hạt). Tổng doanh thu của các hộ xã viên tăng 20% so với trước. Hiệu quả kinh tế đem lại đã từng bước giúp các hộ xã viên yên tâm gắn bó với cây trồng đặc sản của địa phương, tạo được niềm tin, động lực vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Chị Trần Thị Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Ama Thuột giới thiệu về sản phẩm cà phê OCOP.

Lợi thế của huyện Ea H’leo là có đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên do đa phần người dân sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất, chất lượng chưa cao, khó đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trước thực tế đó, năm 2021, bà Trần Thị Hòa (tổ dân phố 9, thị trấn Ea Drăng) đã thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Ama Thuột, kinh doanh mặt hàng cà phê rang xay và mật ong. Để có vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng ổn định, công ty đã ký hợp đồng liên kết với 20 trại ong và 10 hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Ea H’leo. Quy trình sản xuất, thu hoạch nông sản đều được kỹ thuật viên của công ty giám sát, hướng dẫn cụ thể, bảo đảm tính khoa học, tối ưu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Các hộ liên kết sẽ được trợ giá thu mua cao hơn thị trường từ 3.000 - 4.000 đồng/kg cà phê nhân và 10.000 - 20.000 đồng/lít mật ong nuôi lấy mật từ hoa cà phê.

Theo bà Hòa, đầu năm 2022, hai sản phẩm của công ty là Cà phê rang xay Ama Thuột và Mật ong hoa cà phê Ama Thuột được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh. Doanh nghiệp cũng đã được huyện hỗ trợ, hướng dẫn thiết kế bao bì, nhãn mác, mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; được tham gia các lớp tập huấn giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử… Nhờ đó, nhiều khách hàng trong và ngoài nước đã biết đến sản phẩm, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Doanh thu gần đây đạt trên 1 tỷ đồng/tháng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.