Multimedia Đọc Báo in

Rộn ràng lễ hội mùa xuân

08:08, 13/02/2023

Sau hai năm gián đoạn do ảnh hưởng đại dịch, năm nay các lễ hội xuân diễn ra tưng bừng, đánh dấu sự quay trở lại của loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống dịp đầu năm mới, chuyển tải niềm vui, ước vọng của người dân.

Các lễ hội vừa diễn ra như Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin), Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc (xã Ea Tam, huyện Krông Năng), Giải vật truyền thống huyện Krông Pắc... đã thu hút đông đảo người dân và du khách xa gần tham dự.

Hòa trong dòng người náo nức trẩy hội tại Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc (xã Ea Tam, huyện Krông Năng), chị Hoàng Thị Hường (thị xã Buôn Hồ) phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 10 người đã thuê xe đi trẩy hội, suốt quãng đường 50 km từ nhà đến đây ai cũng háo hức và càng thêm vui khi bắt đầu vào trung tâm xã, hòa vào dòng người đông đúc, lâu lắm rồi mới được vui như vậy”.

Đông đảo người dân tham gia Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc (xã Ea Tam, huyện Krông Năng).

Giải vật truyền thống huyện Krông Pắc diễn ra tại thôn Đoàn Kết, xã Vụ Bổn, nhưng không khí hội hè lan tỏa khắp xã với dòng người từ nhiều nơi nô nức đổ về. Khi vào đến đầu thôn, du khách đã nghe âm thanh rộn ràng, dồn dập của tiếng trống hội, cổ vũ các đô vật hòa trong tiếng reo hò cuồng nhiệt của khán giả. Càng đến gần sới vật, không khí càng sôi động, dòng người tấp nập, đông đảo, tạo nên không khí lễ hội tươi vui. Xung quanh sới vật, người người chen chúc, cố tìm cho mình một vị trí thuận lợi để theo dõi, cổ vũ các tay đô.

Không khí lễ hội thêm "nóng" ở phần hội với nhiều hoạt động thú vị. Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc ở xã Ea Tam đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc phía Bắc. Những người con xa quê cùng nhau thể hiện sự khéo léo qua việc chế biến những món ẩm thực dân dã như nấu rượu ngô men lá, làm bánh chưng, giã bánh dày, quay heo mắc mật… “Bên cạnh đó, năm nay, lễ hội tổ chức theo hướng mở rộng quy mô một số hoạt động, tăng tính tương tác và trải nghiệm dành cho du khách, với những trò chơi như đi cà kheo, đi cầu kiều hái lộc, bịt mắt bắt vịt…”, bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam (huyện Krông Năng) cho hay.

Tương tự, Giải vật truyền thống huyện Krông Pắc năm nay ngoài phần đô vật tranh tài còn diễn ra nhiều hoạt động khác như bóng đá nam, bóng chuyền nữ, cờ tướng. Đặc biệt, lần đầu tiên tại giải có hoạt động biểu diễn quan họ Bắc Ninh, hình ảnh các liền anh, liền chị trên chiếc thuyền giữa sông nước mênh mang với những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm thực sự mang đến sự bất ngờ thú vị cho khán giả.

Qua quan sát, những lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh khá hấp dẫn, thu hút nhiều người tham gia, tham dự, tạo nên một mùa lễ hội rộn ràng, ấm áp. Góp phần làm nên không khí sôi động, vui tươi ấy có vai trò quan trọng của những người dân địa phương, chủ nhân của lễ hội.  Anh Hoàng Đình Tân (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) cho biết, ở thôn Tam Điền nơi anh sống, từ trước lễ hội cả tuần bà con đã bắt tay vào chuẩn bị, mỗi người mỗi việc, các chị em thì chọn nếp để nấu cơm lam, chọn heo ngon để quay; thanh niên, trai tráng thì tìm tre và các nguyên liệu để dựng trại… Công tác chuẩn bị hối hả, bận rộn, nhưng rất vui, vừa gắn kết tình làng nghĩa xóm, vừa nhắc nhớ về truyền thống quê hương.

Đông đảo người dân tham gia cổ vũ đấu vật tại Giải vật truyền thống huyện Krông Pắc mở rộng lần thứ XII năm 2023

Cùng với đó, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Trước khi Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc xã Ea Tam diễn ra, đoàn công tác của huyện Krông Năng đã tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị; UBND xã Ea Tam triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn về nhiều mặt. Các đơn vị tổ chức các chương trình chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động dịch vụ du lịch, lễ hội; đảm bảo hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu của nhân dân tham gia… Thế nên, dù các lễ hội thu hút đông du khách nhưng đều diễn ra trong không khí vui tươi, an toàn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống.

Bên cạnh những thay đổi tích cực trong các lễ hội, tiếc rằng vẫn còn những bất cập như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quản lý chặt; tình trạng kẹt xe kéo dài; chỗ ăn nghỉ, mua sắm cho du khách chưa được thuận tiện... Thế nhưng với sự cố gắng của ban tổ chức, sự háo hức chờ đợi của người dân, du khách và những ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần đã làm nên một mùa lễ hội ấm áp và tràn ngập niềm vui.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.