Multimedia Đọc Báo in

Voi vùng Nam Đảo qua di sản ảnh

08:26, 12/02/2023

Các nước Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, gọi là vùng Nam Đảo, đều có sự hiện diện của loài voi.

Nếu Thái Lan nổi tiếng với voi nhà và voi hoang dã trong thiên nhiên khá đông đúc thì các nước Indonesia, Malaysia được biết đến với loài voi lùn Bormeo – gọi theo tên hòn đảo lớn nhất vùng hải đảo phía nam Thái Bình Dương. Hiện nay có khoảng 1.500 con voi lùn còn sống trong tự nhiên, chủ yếu ở bang Sabah (Malaysia). Đây là loài voi nhỏ nhất thế giới, có đuôi dài và ngà thẳng.

 Ngoài những cá thể voi tồn tại trong thiên nhiên, xứ Nam Đảo còn lưu lại dấu vết voi trong di sản văn hóa, tư liệu, hình ảnh. Có thể thấy hình ảnh con voi trong điêu khắc ở các ngôi đền thờ tôn giáo, trong mô típ trang trí hoa văn thổ cẩm... Đặc biệt, trong tập sách: “Malaysia, a pictorial history (1400 - 2004)” (tạm dịch: “Malaysia, một thiên lịch sử bằng tranh ảnh (1440 - 2004)” của tác giả Wendy Khadijah Moore có một số bức tranh vẽ, bức ảnh quý hiếm về voi ở đất nước Mã Lai ở thời kỳ xa xưa.

Các thủ lĩnh vùng Kuala Kangsar trên lưng voi, năm 1866.

Trong quá khứ, voi có vai trò to lớn trong cuộc sống con người ở vùng Đông Nam Á, được con người thuần dưỡng tinh khôn phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Voi phục vụ đi lại, vận chuyển, kéo gỗ, đi săn bắt, làm xiếc; trong việc phòng vệ, chiến đấu, voi được huấn luyện thành voi chiến gọi là tượng binh. Thời phong kiến, con voi có “sứ mệnh” còn lớn hơn, thậm chí là thước đo sức mạnh, tiềm năng quân sự của một vương triều. Cũng như các triều đại phong kiến ở nước ta, voi ở các quốc gia Nam Đảo cũng được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt cung đình. Ngày xưa vua chúa thường cưỡi voi để chứng tỏ uy quyền hoàng gia, biểu tượng cho sự phồn thịnh của đất nước dưới sự trị vì của nhà vua.

Cũng giống như ở nước Đại Nam (Việt Nam), các họa sĩ, nhiếp ảnh gia theo chân các nhà thực dân phương Tây sang khám phá, thám hiểm vùng đất mới. Máy ảnh, bút vẽ trở thành một công cụ rất đắc dụng để ghi lại những hình ảnh về xứ lạ nhằm tuyên truyền cho công cuộc chinh phục, xâm chiếm và khai thác thuộc địa. Trong di sản tranh, ảnh tư liệu có nhiều tác phẩm của các họa sĩ, các nhà nhiếp ảnh ghi lại những hoạt động của con người liên quan đến voi.

Đó là bức vẽ của Pierre van de Aa vào những năm 1700 miêu tả đoàn voi của Hoàng gia Carosse diễu hành trên đường phố. Giống như Đại Việt, Ai Lao (Lào) ngày xưa, voi ở xứ Nam Đảo được chăm sóc chu đáo, trang trí rất đẹp mắt, nhất là ở lưng, đầu voi. Trên lưng voi trải những chiếc thảm lớn giống như cách trang trí voi thời nhà Nguyễn ở nước ta. Bức ảnh chụp sớm nhất, vào năm 1866, ghi lại những thủ lĩnh Kinta hay quý tộc vùng Kuala Kangsar đang ngồi trên lưng voi. Ảnh chụp bốn con voi đực có ngà dài, trang trí trên đầu voi là những mô típ hoa văn hoa lá, mây trời rất đẹp mắt. Mỗi con voi đều chở theo 4 - 5 người trên lưng mà không cần đến chiếc bành. Những người đàn ông ngồi trên lưng voi mặc trang phục chỉnh tề, khăn mũ, áo quần, chiếc dù ô cầm trên tay để che nắng đúng theo phong cách truyền thống của người Malaysia.

Bức ảnh chụp năm 1879 ghi lại cảnh vận chuyển bằng voi ở Kuala Kangsar. Trong ảnh là một bầy voi gồm 8 con voi đực, con nào cũng có cặp ngà dài. Các quản tượng ngồi trên đầu voi, trong đó có hai con voi mang hai cái bành lớn làm mái che cho quản tượng. Bức ảnh chụp năm 1890 ở khu mỏ thiếc Kamungting cho thấy hình thức vận chuyển chính yếu trong thời bấy giờ chỉ bằng voi. Trong ảnh thấy một quản tượng ngồi trên đầu con voi, voi đứng chờ trước dãy nhà để nhận hàng vận chuyển.

Vận chuyển quặng bằng voi ở khu khai thác vàng vùng Pahang, Malaysia năm 1906.

Nhà nhiếp ảnh Charles Kleingrothe chụp nhiều bức ảnh ở Pahang vào năm 1906. Những bức ảnh của ông ta cho thấy đoàn voi đang vận chuyển quặng ngang qua Raub - một trung tâm công nghiệp khai thác mỏ vàng lớn nhất của Malaysia thời bấy giờ. Thú vị nhất là bức ảnh chụp một con voi của hoàng gia đang lội băng ngang qua sông Pahang vào năm 1933. Pahang là tiểu vương quốc nổi tiếng nằm ở đông bán đảo Malaysia. Trong ảnh là một con voi hoàng gia đang lội ngập nửa thân mình, phía trên đầu voi là quản tượng, trên lưng có bành voi lớn vuông vức, có mái che hai tầng, trên cùng có chóp nhọn. Phía sau và hai bên bành voi có lan can che chắn để bảo vệ an toàn cho người ngồi trên lưng voi. Hai bên lan can có gắn 4 lá cờ phướn, có thể là biểu tượng của hoàng gia. Trên bành voi có hai người ngồi, có thể là người trong hoàng tộc. Đặc biệt là trên đầu voi có vẽ hoa văn màu trắng.

Bên cạnh hình ảnh con voi được tìm thấy trong sách, các công trình nghiên cứu lịch sử, con voi còn được chạm khắc trên công trình kiến trúc tôn giáo xứ Nam Đảo, tiêu biểu như đền thờ Borobudur ở tỉnh Yoyakarta, thuộc đảo Java, Indonesia. Đặc biệt, hoa văn trang trí trên tấm vải dệt bằng kỹ thuật songket (dệt bằng sợi kim tuyến và sợi vàng) - một loại vải cao cấp, được mệnh danh là vua của thời trang, đồ dệt xứ sở Mã Lai Đa Đảo, trang trí khá nhiều hình voi. Điều đó cho thấy, con voi là chủ đề được chú ý đưa vào nghệ thuật tạo hình của các tộc người ở Malaysia, làm nên nét đẹp của các công trình kiến trúc tôn giáo xưa và các sản phẩm được làm ra từ nghề dệt truyền thống.

Tấn Vịnh

voi

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.