Multimedia Đọc Báo in

“Tiếp lửa” thanh niên khởi nghiệp

07:55, 14/10/2022

Trước những tác động của xu thế hội nhập, phong trào khởi nghiệp của thanh niên Đắk Lắk đang có sức lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng phát triển. Nhiều thanh niên đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng những mô hình kinh tế sáng tạo, hiệu quả, từng bước hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên chính quê hương.

Tự tin khởi nghiệp

Sau 3 lần thử nghiệm thất bại do thiếu kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, đến cuối năm 2020, trang trại nuôi dê của anh Nguyễn Minh Trung ở xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) mới đi vào hoạt động ổn định.

Hiện nay, anh Trung đang liên kết cùng 4 người bạn thành lập trang trại nuôi hơn 700 con dê Boer và Bách Thảo với nguồn vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Nuôi dê với số lượng lớn, anh Trung đã đầu tư trồng 2 ha cỏ voi, đồng thời sử dụng thêm cám tổng hợp để bảo đảm nguồn thức ăn cho dê.

Bình quân mỗi năm một con dê Boer, dê Bách Thảo sinh sản khoảng 3 - 4 dê con, sau 5 tháng dê con có trọng lượng từ 30 - 40 kg. Hiện dê thương phẩm xuất bán với giá từ 140.000 đồng/kg và dê giống khoảng 10 tháng tuổi giá 180.000 đồng/kg. “Hiện tại, chúng tôi vừa phát triển nhân đàn, vừa bán một phần dê thịt để tái đầu tư, phấn đấu đạt quy mô đàn 1.000 con trong năm nay”, anh Trung cho hay.

Đoàn viên thanh niên tham quan mô hình khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên huyện Cư M'gar.

Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2015 anh Trần Văn Pháp (xã Cư Né, huyện Krông Búk) đã thử nghiệm trồng xen thêm sầu riêng, mắc ca trong vườn cà phê với diện tích hơn 1,4 ha. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ mắc ca của người dân ngày càng cao, năm 2017 anh Pháp quyết định vay vốn để đầu tư máy móc, đồng thời học hỏi kỹ thuật, tìm nguồn thu mua mắc ca thô để tạo ra thành phẩm mắc ca sấy.

Vượt qua nhiều khó khăn ban đầu, đến nay anh đã nắm được kỹ thuật bảo quản, sơ chế mắc ca, tạo ra sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất mắc ca của gia đình anh đưa ra thị trường hơn 1 tấn mắc ca sấy thành phẩm, phân phối ở nhiều địa phương như Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh...

 

“Phong trào khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh nhà hiện đang được các tổ chức Đoàn, Hội triển khai thực hiện bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phát huy mối quan hệ phối hợp, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi yếu tố, điều kiện để đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp”.

Bí thư Tỉnh Đoàn H Giang Niê

Là sinh viên đang theo học ngành Chăn nuôi thú y tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, bạn Lương Quyết Trí (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi thỏ.

Trí chia sẻ: “Với mong muốn được áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, đầu năm 2021, sau khi nuôi thử nghiệm thành công 10 cặp thỏ New Zealand, tôi đã quyết định khởi nghiệp từ mô hình này. Trong quá trình khởi nghiệp, thông qua ủy thác từ Đoàn phường Khánh Xuân, tôi đã được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Buôn Ma Thuột xét duyệt cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm, đồng thời nhận được sự hỗ trợ vốn 20 triệu đồng từ Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột. Hiện nay tôi đang đầu tư mở rộng chuồng trại, nhân rộng mô hình nuôi thỏ với quy mô trên 200 con, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.

Tiếp tục đồng hành

Để đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh niên về khởi nghiệp bằng nhiều hình thức. Trong đó, có việc tổ chức các lớp tập huấn về khởi nghiệp dành cho thanh niên nông thôn gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phối hợp với các ngành chức năng tổ chức diễn đàn, đối thoại giữa các doanh nhân trẻ, thanh niên với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành có liên quan để doanh nhân, thanh niên có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, bày tỏ nguyện vọng của bản thân với các cơ quan quản lý nhà nước về chính sách khởi nghiệp.

Thanh niên Đắk Lắk trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp với đoàn viên thanh niên các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, việc triển khai Đề án Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 – 2022 đã và đang được Tỉnh Đoàn đẩy mạnh thông qua việc triển khai các giải pháp củng cố, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; tăng cường kết nối các ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên với các tổ chức, doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp có tính khả thi.

Trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, Tỉnh Đoàn đã hỗ trợ 107 dự án khởi nghiệp, sáng tạo cho 458 thanh niên với trên 5 tỷ đồng. Các cấp bộ Đoàn tổ chức được 12 cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp với 1.312 đoàn viên thanh niên tham gia. Toàn tỉnh hiện có 228 câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp”, “Thanh niên làm kinh tế giỏi”, “Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế”.

Công tác hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế được Đoàn thanh niên triển khai hiệu quả. Hiện nay, tổng dư nợ ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 838,4 tỷ đồng/743 tổ vay vốn/28.315 hộ thanh niên vay.

Định kỳ hằng năm, các tổ chức cơ sở Đoàn cũng tổ chức tuyên dương các gương cá nhân, tập thể điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi nhằm ghi nhận, động viên và tạo sức lan tỏa trong đoàn viên thanh niên học tập.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.