Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp

08:03, 26/05/2022

Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp, thời gian qua Thành Đoàn, Hội LHTN Việt Nam TP. Buôn Ma Thuột đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ đoàn viên, thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này đã giúp nhiều bạn trẻ có thêm cơ hội thực hiện ước mơ khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.

Đầu năm 2021, sau khi nuôi thử nghiệm thành công 10 cặp thỏ New Zealand, anh Lương Quyết Chí (khối 5, phường Khánh Xuân) nhận thấy loài vật này dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là rau cỏ, lá cây, nếu nuôi càng nhiều thì hiệu quả kinh tế càng cao. Ngoài nuôi thỏ, anh còn nuôi thêm bò vỗ béo. Trong quá trình khởi nghiệp, thông qua ủy thác từ Đoàn phường Khánh Xuân, anh Chí đã được Phòng Giao dịch NHCSXH TP. Buôn Ma Thuột  xét duyệt cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Nguồn vốn vay ưu đãi là động lực tiếp sức cho anh vững tin mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tạo công ăn việc làm tại quê nhà.

Anh Lương Quyết Chí (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế từ mô hình nuôi thỏ.

Anh Chí tâm sự: “Là sinh viên đang theo học ngành Chăn nuôi thú y tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên nên việc thực hiện mô hình chăn nuôi là cách mà tôi có thể vận dụng kiến thức từ nhà trường vào thực tế. Được sự tư vấn của các thầy cô, tôi quyết định chọn nuôi thỏ để khởi nghiệp bởi thị trường vật nuôi này khá ổn định, thỏ lại dễ chăm sóc, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, như rau cỏ, lá cây, thời gian sinh trưởng ngắn (thỏ thịt từ khi sinh ra đến xuất chuồng chỉ từ 3 – 3,5 tháng), khả năng thu hồi vốn nhanh. Hơn nữa thỏ giống New Zealand thịt thơm ngon, bổ dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng nên không lo về đầu ra cho sản phẩm. Được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, thời gian tới tôi sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại, nhân rộng mô hình, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình”.

Là lao động tự do, đã từng trải qua nhiều công việc khác nhau, khi dịch COVID-19 bùng phát, anh Khổng Văn Long (khối 8, phường Khánh Xuân) về nhà một thời gian khá dài và đã quyết định khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Tình cờ biết đến mô hình nuôi dúi qua mạng Internet, sau khi tìm đến tham quan các mô hình nuôi dúi trong và ngoài tỉnh, anh Long đã quyết định mua giống về nuôi.

Trang trại nuôi dúi của gia đình anh Khổng Văn Long (bên trái).

Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa nắm vững kỹ thuật chăn nuôi dúi, anh gặp không ít khó khăn và từng có ý định bỏ cuộc. Nhưng với khát khao lập thân, lập nghiệp, anh đã nỗ lực vượt qua những khó khăn ban đầu, gây dựng được trang trại nuôi dúi rộng hơn 200 m2. Tháng 4 vừa qua, thông qua tổ chức Đoàn địa phương, anh Long được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, anh đã mạnh dạn làm hồ sơ vay 100 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất.

 

Việc tạo điều kiện để tiếp cận nhanh, sớm với các nguồn vốn vay ưu đãi chính là đòn bẩy, điểm tựa vững chắc để tuổi trẻ mạnh dạn khởi nghiệp thành công, làm giàu cho gia đình, quê hương. Làm tốt việc hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp cũng góp phần giúp các tổ chức Đoàn tập hợp, thu hút đoàn viên thanh niên, tạo sự gắn kết giữa đoàn viên thanh niên với tổ chức Đoàn”.

 
Anh Đỗ Trung Hiếu, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TP. Buôn Ma Thuột

“Sau hơn một năm khởi nghiệp, tôi nhận thấy nuôi dúi cho hiệu quả cao hơn so với một số vật nuôi khác. Dúi là loài động vật hoang dã, sợ tiếng ồn, ưa mát mẻ nên chuồng phải đảm bảo kín gió, ít tiếng ồn, không bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Dúi thương phẩm nuôi khoảng 10 tháng đạt 1,5 - 2 kg, giá thị trường khoảng 500.000 - 700.000 đồng/kg; dúi giống bán giá khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/cặp. Tuy nhiên vì vốn ít nên tôi chưa có điều kiện để mở rộng sản xuất. Thời gian tới, khi hoàn thiện hồ sơ và nhận được vốn vay, tôi dự tính khi nhân giống được khoảng trên 200 cặp mới bắt đầu bán ra thị trường”, anh Khổng Văn Long chia sẻ.

Trong những năm qua, phong trào khởi nghiệp ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong đoàn viên thanh niên trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên trên thực tế, hành trình khởi nghiệp của những thanh niên còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn đầu tư ban đầu và mở rộng quy mô sản xuất. Nhằm khuyến khích, hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp, các cấp bộ Đoàn – Hội trên địa bàn thành phố đã tạo điều kiện để họ tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, vay ưu đãi để phát triển kinh tế phù hợp.

Hiện nay, toàn thành phố có 59 tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn thanh niên các xã, phường quản lý, với 2.576 lượt hộ vay và tổng dư nợ đạt trên 65 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ đoàn viên thanh niên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện lập nghiệp, phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ để từng bước nâng cao thu nhập. Không chỉ vậy, phát huy sức trẻ, sáng tạo trong lao động sản xuất, nhiều bạn trẻ mạnh dạn tìm tòi, đưa những giống mới năng suất cao vào sản xuất, thử nghiệm những mô hình kinh tế mới, từ đó phát triển mô hình sản xuất nhỏ lẻ thành các trang trại quy mô lớn, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên địa phương.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc