Multimedia Đọc Báo in

Đám cưới và những chuyện cười… ra nước mắt

06:17, 04/12/2022

Sau hai năm đại dịch COVID-19 hoành hành, xã hội giãn cách, nhiều cặp đôi phải hoãn lại đám cưới. Khi dịch bệnh được kiểm soát, mùa cưới năm 2022 này thực sự sôi động.

Không ít cặp đôi đã đăng ký kết hôn, về sống chung và sinh con, bây giờ mới tổ chức tiệc mừng coi như là để ra mắt con dâu, chàng rể với bà con, bạn bè. Nhưng bên cạnh niềm vui khi nhận được tấm thiệp hồng, vẫn còn đó những chuyện cười… ra nước mắt.

Ảnh minh ọa
Ảnh minh họa: Internet

Gửi thiệp mời theo kiểu… công văn

Ngày nọ cô văn thư cơ quan được một người nào đó mang khẩu trang, đeo kính râm vào gửi cho một xấp thiệp mời dày cộp rồi vội vã ra đi với một câu cụt lủn: “Anh A, chị B nhờ gửi thiệp mời đám cưới”. Cô văn thư bất đắc dĩ phải đem thiệp mời lên các phòng có người liên quan trong danh sách. Người được mời thậm chí còn phải cố nhớ xem nhà trai hay nhà gái, cô dâu hay chú rể gửi thiệp vì chỉ mới gặp nhau đôi ba lần trên bàn nhậu. Nhận tấm thiệp mời đám cưới mà đến một cuộc gọi mời cũng không có thì không đi cũng dở mà đi thì cũng “áy náy” trong lòng.

Cứ danh sách lãnh đạo thì mời

Có trường hợp người tổ chức tiệc đám cưới cho con là một lãnh đạo thuộc một cơ quan. Khách mời là danh sách dài dằng dặc lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện. Nhiều người thân cận của vị lãnh đạo tự nguyện xáp vô giúp chuyện đại sự của gia đình, mỗi người phụ trách địa bàn, sở ngành để viết thiệp mời. Nhưng rồi do nhiệt tình quá nên bị trùng danh sách rất nhiều. Có lần cơ quan tôi tất cả lãnh đạo đều nhận được thiệp hồng rất đẹp, mỗi người hai cái giống y chang nhau, chỉ khác mỗi… nét chữ.

Những phát biểu… dở khóc dở cười

Trong đám cưới, sau màn ra mắt cô dâu, chú rể, cha mẹ hai bên thì đại diện gia đình sẽ có đôi lời phát biểu. Có vị từng là lãnh đạo cấp sở đã nghỉ hưu, được mời đại diện họ nhà gái phát biểu, ông ta nói huyên thuyên không đầu không đũa và cuối cùng kết: “Xin thay mặt họ nhà gái ghi nhận họ nhà trai đã có thiện chí, không quản đường sá xa xôi đến dự đám cưới cháu gái tôi”. Mọi người không khỏi bật cười vì cái bệnh nghề nghiệp khi phát biểu hay ghi nhận theo ông đến cả tiệc cưới.

Có vị khi đương chức, lên phát biểu đại diện họ nhà trai, có lẽ do không chuẩn bị trước hoặc cũng có thể do quá hồi hộp nên ông cứ kính thưa: Kính thưa các ông, các bà; kính thưa các cô, các chú; kính thưa các anh, các chị; kính thưa các dì, các dượng… Đến đây ông cứ ngắc ngứ không biết còn ai để kính thưa. Ông kết một câu đột ngột: Có gì đó thì… xin cảm ơn và cảm ơn!

Trong một tiệc cưới nọ, một vị đại diện họ nhà trai lên phát biểu. Ông giáo huấn đủ điều, nói chuyện lễ nghĩa nhưng chắp vá, không đầu, không cuối như muốn thể hiện ta đây là uyên bác... khoảng hai chục phút. Lúc đầu khách khứa còn chịu khó ngồi nghe, sau đó vì lâu qua nên có người phản đối, hô to: Xuống đi, xuống đi! Đến lúc đó ông ta mất bình tĩnh kết một câu: “Trong lúc tang gia bối rối, có gì sơ suất, mong quý vị thông cảm”.

Hôn nhân là việc đại hỉ của hai bên gia đình, là ngày hạnh phúc của đôi lứa. Hy vọng những chuyện kể trên sẽ không còn xảy ra để đám cưới thực sự là những kỷ niệm thật đẹp, đáng nhớ đối với các cặp đôi và cả khách mời!

Đông A


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.