Multimedia Đọc Báo in

Chuyện mùa cưới ở quê tôi

10:36, 12/06/2011

Mùa cưới lại đến, không chỉ cô dâu chú rể vui và buồn. Nỗi niềm vui buồn này lây lan nhanh chóng vào cộng đồng bạn hữu. Nhận thiếp mời trong tay, đôi khi như kẻ mộng du. Một tuần nhiều khi cầm một xấp thiệp mời hơn chục cái! Thời buổi giá cả phập phù, đi ăn cưới bây giờ cũng như ca sĩ nổi tiếng ở thành phố chạy đi hát sô vậy. “Sô” đám cưới liên miên  khiến nhiều gia đình phải đau đầu. Giá cả càng leo thang, độ dày phong bì mừng hạnh phúc cũng phải tỷ lệ thuận cho hợp lý.

Một thầy giáo ở trường THCS Hòa Lễ (Krông Bông) than thở: “Lương chưa tăng mà đám cưới thì nhiều, tháng nào nhiều đám thì cả tháng phải ăn uống dè sẻn, tiết kiệm lắm mới đủ”. Nhiều người đang ngon miệng ở đám cưới này mà lòng dạ vẫn bồn chồn lo lắng vì chưa biết kiếm tiền đâu mà đi đám cưới ngày mai và ngày kia khi những cánh thiệp hồng đã được gửi tới.

Tháng vừa rồi, gia đình tôi thật sự “được mùa cưới”, hết cưới ở xã mình, rồi sang xã khác. Tính ra có ngày vợ chồng tôi phải chia nhau chạy 2 đến 3 đám cùng lúc, thậm chí còn phải kêu đứa con trai út đang ôn thi tốt nghiệp THPT đi ăn cưới giúp, nó ngần ngại không đi, phải thuê nó 50.000 đồng thì nó mới chịu. Tưởng rằng cuối tháng yên ổn vợ chồng con cái cùng sum họp ăn bữa cơm cuối tháng vui vẻ, ai dè lại có đám cưới con của anh bạn cùng quê ở tận huyện Ea Súp, vợ chồng tôi lại phải lặn lội lên đường để chúc mừng. Đám cưới xong, về nhà vợ tôi mệt mỏi quá phải nằm viện mất mấy ngày. Đấy là mới chỉ nói đến những đám cưới chủ yếu là bạn bè, đồng nghiệp, không đi không được. Ngoài ra, còn những đám cưới của anh em họ hàng ngoài quê, không về được cũng phải gửi tiền. Chẳng lẽ gửi ra ngoài quê mừng cho con chú, con bác hoặc cháu nội ngoại mà lại tính bằng trăm? Phải tiền triệu mới xứng.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Chẳng riêng gì vợ chồng tôi, bạn bè, lối xóm, đồng nghiệp cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Đau đầu trong cơn bão giá, lại quay cuồng với việc một tuần có gần chục thiệp hồng được gửi tới, chị  Hoàng (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) tâm sự: “Từ đầu tháng đến giờ gia đình tôi đi mừng gần 15 đám cưới. Có những tuần hơn 4 đám, đi không xuể gia đình tôi phải gửi qua người khác. Tháng nào tôi cũng chạy mượn tiền vòng quanh xóm vì đi đám cưới”. Cầm trên tay  tấm thiệp hồng của con gái sếp, tất cả mọi người trong cơ quan tôi đều rôm rả:“Bét nhất thì cũng phải đi phong bì 500 nghìn , nhiều hơn thì chưa biết bằng nào, tùy theo mối quan hệ thân quen hay không. Cả tháng dè sẻn tiền chi tiêu, tính toán chi li từng đồng một vì bão giá, vậy mà vẫn phải mạnh tay chi cho đám cưới con gái của sếp”, tiếp theo là những tiếng thở dài thườn thượt. Bà An (70 tuổi), hộ bán hàng nhỏ ở thôn 1, Hòa Lễ (Krông Bông) bùi ngùi: “Không gì vui bằng khi mình được mời đến dự đám cưới con cháu họ. Có coi trọng mình thì người ta mới mời. Nhưng đối với cái tuổi tôi như thế này thì kiếm đâu ra tiền để đi khi cứ vài ngày lại có một thiệp hồng”. Chị Nguyễn Thị Hồng, ở xã Cư Pui giãi bày: “Đầu tháng này gia đình tôi nhận được một thiệp hồng, đang mừng vì chắc không ai mời mình nữa đâu. Nhưng ai ngờ, chỉ cách một ngày lại có một thiệp đến mời. Hơn một tuần mà có gần một chục thiệp hồng rồi. Thời bây giờ dù mình có nghèo cũng phải đi mỗi đám ít nhất là 150.000 đồng, trong khi đó tuổi tôi như thế và con cái còn đang tuổi ăn học chưa làm gì ra tiền. Kiếm tiền để lo đi đám cưới muốn mệt xỉu”.

Cả tuần nay, vợ chồng tôi cùng đứa con trai út chẳng được bữa nào ăn cơm chung. Bận bịu hết việc tổng kết cuối năm học, lại thêm tiệc tùng, nhiều hôm thèm cơm vô cùng. Có bữa đi ăn tiệc cưới về nhà mệt mỏi chân tay rả rời, vì phải “chạy sô” có đến 2,3 đám. Mấy ngày nay, hai vợ chồng tôi vẫn  chia nhau “chạy sô” đám cưới. Chưa ngồi ấm chỗ này đã lo đến muộn chỗ kia. Chưa kịp ăn uống gì là lại "xách" xe chạy. Về nhà bụng vẫn đói meo đành phải pha gói mì tôm húp xoàn xoạt. Vợ chồng anh bạn tôi đi đám cưới còn gặp phải tình huống “dở khóc dở cười” khiến tôi nhớ mãi. Lần đó, vợ chồng anh nhận được thiệp cưới ở TP. Buôn Ma Thuột. Tiệc trên phố thường được tổ chức tại nhà hàng vào dịp cuối tuần hoặc ngày đẹp nên việc trùng nhiều đám cưới vào một giờ không phải chuyện lạ. Khi anh bạn tôi còn tìm chỗ gửi xe thì chị vợ đã vui vẻ vào đám cưới cặp trai gái ở lầu 1 bỏ phong bì vào thùng hạnh phúc. Gửi xe xong, anh chồng lên lầu 2 nơi làm đám cưới bạn mình tìm vợ mãi chẳng thấy đâu cả, gọi điện thoại mới biết vợ đang… dự đám cưới ở lầu 1. Thế là vợ chồng anh phải ra mua thêm bì thư mừng bạn mình. Thật là một đám cưới quá đắt đỏ và nhớ đời.

Từ ngàn xưa, ông cha ta thường có câu: “Ma chê, cưới trách” là lời nhắc cho các gia đình đừng để xảy ra điều gì khiến phải chê trách trong đám cưới. Bởi vậy người dân Việt Nam coi đám cưới là một việc thiêng liêng, trọng đại trong đời người… Nhưng thiết nghĩ, tổ chức một đám cưới gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, nhất là phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc chính là cách để khiến cho ngày vui được thực sự trọn vẹn, có ý nghĩa, không tốn kém cho gia đình, mọi người. Thế nhưng, bao giờ mới được như thế?

 

Nguyễn Trung Thu

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.