Multimedia Đọc Báo in

Đảm bảo dinh dưỡng trong mùa dịch

15:31, 09/10/2021

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực là rất cần thiết để tăng sức đề kháng của cơ thể.

Một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, đầy đủ và cân bằng các yếu tố đa lượng và vi lượng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chức năng hệ miễn dịch, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều gia đình đã chú trọng hơn đến chế độ ăn hằng ngày, quan tâm bảo đảm chất lượng dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch cho các thành viên.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga (khối 8, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đã thay đổi thói quen sinh hoạt của gia đình, chú trọng hơn vào việc nâng cao thể lực và ăn uống đủ dinh dưỡng để có sức khỏe chống chọi với dịch bệnh. Mỗi ngày chị Nga đều nấu những món dễ tiêu hóa và bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, tăng cường thêm các loại trái cây nhiều vitamin C và nhóm thực phẩm chứa những chất giúp tăng cường miễn dịch như: Tỏi, nghệ, sả, nấm, trà xanh, sữa chua…; khuyến khích chồng và con gái luyện tập nhảy dây, chạy bộ, yoga… để tăng cường sức khỏe. Gia đình chị Bùi Thị Ngân (ở phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) làm nghề buôn bán tự do. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị đã tìm hiểu, chú trọng cải thiện về số lượng và chất lượng dinh dưỡng cho gia đình để phòng vệ trước dịch bệnh. Chị tận dụng mảnh đất nhỏ sau nhà của gia đình để tự trồng các loại rau như: cải, mùng tơi, lang, rau thơm đủ loại... phục vụ cho bữa ăn hằng ngày của cả nhà.

Trong mùa dịch, nhiều người dân tự trồng rau xanh phục vụ cho bữa ăn gia đình. Ảnh: Đình Thi

Theo bác sĩ Vi Thị Huệ, Phó khoa phụ trách Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), chế độ dinh dưỡng cân bằng, đảm bảo không bị thiếu hụt dưỡng chất thiết yếu chính là chìa khóa để duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh, giúp con người phòng chống các tác nhân gây bệnh, vi rút xâm nhập. Vì vậy, chúng ta nên ăn đa dạng, cân bằng tất cả các loại thực phẩm.

 

Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò hết sức quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng, chống dịch bệnh.

Các nhóm thực phẩm cần đảm bảo đầy đủ, cân bằng trong bữa ăn, bao gồm: nhóm thực phẩm giàu chất bột đường từ cơm, bún, phở, bánh mì; nhóm thực phẩm giàu chất đạm từ thịt, cá, trứng, sữa; một ít chất béo từ dầu hoặc các loại hạt; đặc biệt là tăng cường gấp đôi rau xanh, trái cây trong khẩu phần để có thể cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần chú trọng trong mùa dịch. Không nên tích trữ đồ ăn trong tủ lạnh quá lâu làm giảm hàm lượng dinh dưỡng có trong thức ăn, chỉ mua đủ dùng từ 2 - 3 ngày. Cho dù địa phương có áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thì các cơ sở kinh doanh thực phẩm thiết yếu như siêu thị, chợ, tạp hóa… vẫn được phép hoạt động bình thường để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Các siêu thị, điểm bán lẻ trên địa bàn tỉnh luôn xây dựng kế hoạch dự trữ đảm bảo nguồn cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và giá cả các mặt hàng cơ bản vẫn duy trì ổn định. Vì vậy, việc người dân tích trữ thực phẩm trong thời gian dài là không cần thiết. 

Các nhóm thực phẩm cần đảm bảo đầy đủ, cân bằng trong bữa ăn hằng ngày của gia đình. Ảnh: Đình Thi

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), người cao tuổi đặc biệt lưu ý ăn đủ các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò, thịt gà, trứng, lưu ý đến khẩu vị, sở thích để có thể ăn đủ số lượng. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng từ 1 - 2 cốc mỗi ngày.

Đối với trẻ em: Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn, đây là biện pháp phòng, chống lây nhiễm bệnh tốt nhất với trẻ nhỏ; tiếp tục bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Trẻ mẫu giáo và học sinh cần ăn uống điều độ, đủ số lượng; nếu trẻ biếng ăn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Nên ăn nhiều quả chín, rau xanh, uống nước ngụm nhỏ thường xuyên để giữ ẩm cổ họng, ngăn ngừa sự xâm nhập của vi rút, vi khuẩn. Những người đang mắc các bệnh mạn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, Parkinson... cần uống thuốc điều trị bệnh thường xuyên và đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ; duy trì chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.