Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ lây lan dịch COVID-19 từ chợ

09:25, 17/10/2021

Chợ là nơi tập trung đông người, trong không gian chật hẹp giữa các quầy hàng, sạp bán hàng nên khó tránh khỏi việc người mua và bán tiếp xúc gần.

Ngay lối ra vào cổng chợ Tân An (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đặt một tấm biển lớn in chữ hoa to, rõ ràng: “Yêu cầu quý khách đeo khẩu trang khi vào chợ”.

Tuy nhiên, vẫn bắt gặp đây đó những người mua, bán hàng chưa thực hiện nghiêm quy định này. Ngoài số ít là khách mua hàng, còn có những người bán hàng đeo khẩu trang nhưng lại thường kéo xuống cằm để nói chuyện cho dễ, thậm chí có nhóm còn tập trung ăn uống, nói chuyện mà không hề giữ khoảng cách theo quy định.

 

Nếu mọi người đi chợ mà vẫn giữ thói quen như: kéo khẩu trang xuống cằm khi nói chuyện, lấy tiền thừa không sát khuẩn, chui qua dây đã giăng sẵn để vào mua hàng, lựa hàng và trả giá lâu, chen chúc đi mua thực phẩm, hay đưa tay lên sờ mũi, mặt… thì nguy cơ lây lan bệnh COVID-19 là rất lớn.

Tại chợ Tân Thành (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột), dù Ban Quản lý chợ đã giăng dây xung quanh các quầy hàng và có hướng dẫn thực hiện phòng, chống dịch song vẫn có nhiều người chui qua dây để đứng gần hơn với người bán hàng hoặc dễ chọn lựa thực phẩm.

Chị M.L.H. (tiểu thương tại chợ Tân Thành) bức xúc: “Nhiều người đi chợ rất vô ý hoặc cố tình không tuân thủ theo quy định của Ban Quản lý chợ. Nhắc nhở thì tự ái, mà không nhắc nhở thì không đảm bảo an toàn cho người bán và người mua…”.

Đáng mừng là bên cạnh một số người vẫn còn chủ quan thì đa số người dân đã có ý thức phòng dịch bệnh mỗi khi đi chợ.

Như chị K.N.L. (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) thường lên sẵn danh sách thực phẩm cần mua; khi đến chợ luôn mang khẩu trang, giữ khoảng cách, cẩn thận khử khuẩn tiền thừa, tránh những chỗ đông người.

Khi đi chợ về, mặt ngoài của các túi xách, túi nilon đựng đồ ăn đều được chị khử khuẩn ngay, vứt bỏ khẩu trang y tế, sơ chế toàn bộ đồ ăn và cẩn thận ngâm nước muối để làm sạch thực phẩm.

Sau khi sơ chế xong, chị bỏ từng hộp thực phẩm vào tủ lạnh để dùng dần; đồng thời tiếp tục sát khuẩn bề mặt bàn, nơi có tiếp xúc với thực phẩm và rửa tay sau khi hoàn tất các công đoạn.

Hay như chị V.C.T. (một tiểu thương ở chợ Tân Thành), trong mua bán hằng ngày, chị luôn giữ khoảng cách (giăng dây quanh quầy hàng), trang bị rổ chuyển hàng và tiền từ xa cho khách, dùng chai xịt khuẩn tiền và túi nilon đựng thực phẩm cho khách để đảm bảo hạn chế bề mặt tiếp xúc với vi rút (nếu có).

Chợ Tân Thành giăng dây tại các quầy hàng nhằm giữ khoảng cách an toàn giữa người bán và người mua, hạn chế tiếp xúc gần. Ảnh: Đình Thi

Theo các chuyên gia y tế, chợ truyền thống là nơi nhiều người đến mua bán, trao đổi, tiếp xúc trực tiếp, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, môi trường ở chợ, nhất là các khu vực bày bán thực phẩm tươi sống thường ẩm thấp, điều kiện vệ sinh chưa thực sự đảm bảo nên tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.

Để mua sắm hiệu quả và đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 khi đi chợ, bác sĩ Lê Thị Châu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo: Khi đi chợ, người dân cần đeo khẩu trang suốt quá trình đi đến, ở chợ và trên đường về. Giữ khoảng cách an toàn (tốt nhất là 2 m) với những người xung quanh trong chợ. Rửa tay hoặc sát khuẩn thường xuyên khi có điều kiện.

Hãy khai báo y tế để việc kiểm soát dịch bệnh được thuận tiện hơn. Khi ho, hắt hơi, người dân cần che mũi, miệng, vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác đúng nơi quy định và rửa tay sạch; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; không khạc nhổ bừa bãi.

Khi đi chợ về, cần rửa tay ngay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc sát khuẩn tay nhanh. Thay quần áo và giặt, thải bỏ khẩu trang y tế ngay sau khi sử dụng (nếu là loại dùng một lần) vào thùng rác đúng quy định. Sơ chế, bảo quản thực phẩm cẩn thận, an toàn. Nếu thực phẩm có bao gói, nên bỏ bao gói và thay bằng hộp, túi đựng thực phẩm an toàn. Rửa tay sau khi hoàn tất sơ chế, bảo quản thực phẩm.

Vệ sinh sạch sẽ bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường các bề mặt (bàn, nơi đựng thực phẩm…) có tiếp xúc với thực phẩm mang về. Ngoài ra, trước khi đi chợ, cần kiểm tra những gì đã có ở nhà. Hãy lập danh sách trước để mua đúng các mặt hàng cần thiết và rút ngắn thời gian ở chợ.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.