Multimedia Đọc Báo in

Cảm ơn những giọt máu hồng…

05:39, 05/06/2013

Mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận hàng nghìn đơn vị máu từ nguồn hiến máu nhân đạo. Đúng như thông điệp của chương trình hiến máu “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, nhờ nguồn máu này, rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống qua cơn hiểm nghèo, ổn định sức khỏe trở về với gia đình và công việc…

Một  bệnh nhân đang được truyền máu cấp cứu tại khoa cấp cứu Bệnh viện tỉnh Dak Lak.
Một bệnh nhân đang được truyền máu cấp cứu tại khoa cấp cứu Bệnh viện tỉnh Dak Lak.

Cậu con trai út nay đã được 7 tháng tuổi nhưng mỗi khi nhớ lại lần sinh nở đó, chị Phạm Thị Huệ (giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi, huyện Buôn Đôn) vẫn còn cảm thấy sợ. Ngày 1-11-2012, chị Huệ nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh để sinh con. Quá trình chuyển dạ diễn ra khá nhanh, cậu con trai bụ bẫm với cân nặng 3,7 kg chào đời khỏe mạnh nhưng người mẹ thì bị băng huyết không thể cầm máu được. Các bác sĩ quyết định mổ thắt tĩnh mạch để cầm máu nhưng không hiệu quả, chị Huệ bị mất máu quá nhiều có thể nguy hiểm đến tính mạng. Sau đó, các bác sĩ quyết định tiến hành mổ lần hai cắt bỏ toàn bộ tử cung. Hai lần mổ, bệnh nhân bị mất máu quá nhiều (cần truyền tới 11 đơn vị máu) nhưng người thân không ai có cùng nhóm máu để có thể cho máu, may mắn là nhờ có nguồn máu được dự trữ trong kho của bệnh viện nên chị Huệ đã được truyền máu kịp thời. Sau mổ 8 ngày là chị Huệ được xuất viện, đến nay sức khỏe đã hoàn toàn ổn định. Bế cậu con trai bụ bẫm trong tay, chị Huệ vui vẻ tâm sự: “Cũng nhờ có nguồn máu dự trữ trong bệnh viện - đây hoàn toàn nguồn máu hiến từ phong trào hiến máu nhân đạo – mà tôi đã được cứu sống. Đến nay, sức khỏe của tôi rất tốt mặc dù tôi đã quay lại làm việc được 3 tháng và mỗi ngày phải đi về gần 50km. Hy vọng phong trào hiến máu nhân đạo sẽ ngày càng lan tỏa rộng hơn để có nguồn máu dồi dào góp phần cứu sống nhiều người bệnh”.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (trú đường Ama Sa, TP. Buôn Ma Thuột) cũng là một trong những người may mắn được cứu sống nhờ những giọt máu nghĩa tình từ phong trào hiến máu nhân đạo. Tháng 11-2012, trong lúc đi học về, anh Tuấn bị tai nạn giao thông nghiêm trọng tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột. Anh được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng đa chấn thương và xuất huyết nghiêm trọng, người thân trong gia đình lo lắng tưởng rằng anh sẽ không qua khỏi. Chấn thương làm anh Tuấn dập mất một chân, mất máu quá nhiều và rơi vào tình trạng hôn mê. Các bác sĩ quyết định tiến hành truyền máu khẩn cấp cho Tuấn bằng nguồn máu từ kho dự trữ của bệnh viện. Nhờ được truyền máu kịp thời, anh Tuấn đã vượt qua cơn nguy kịch. Anh Tuấn bộc bạch: “Vụ tai nạn khiến tôi bị cưa mất một chân. Tuy nhiên, tôi thấy mình còn may mắn vì vẫn còn sống đến ngày nay. Hiện sức khỏe của tôi đã trở lại ổn định, đã quay trở lại cuộc sống thường ngày. Được như ngày hôm nay, tôi rất biết ơn sự xử trí kịp thời của các bác sĩ cũng như những giọt máu nghĩa tình đã cứu mạng tôi lúc nguy cấp”.

Chị Huệ và anh Tuấn chỉ là hai trong số rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống nhờ được truyền máu cấp cứu kịp thời. Theo ông Đặng Văn Hóa, Điều dưỡng trưởng thuộc Phòng Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), ngoài những trường hợp truyền máu cấp cứu, nguồn máu dự trữ trong bệnh viện cũng đã góp phần duy trì sự sống cho nhiều trẻ em bị bệnh thiếu máu di truyền (Thalasemia). Điển hình như trường hợp bé Nguyễn Việt Cường ở thôn Quyết Tiến, xã Dliê Ya (huyện Krông Năng) bị thiếu máu bẩm sinh, phải truyền máu từ khi mới được 2 tháng tuổi. Số lượng máu truyền ngày càng tăng lên, từ 250ml/lần rồi tăng đến 700ml/lần. Tần suất phải truyền máu ngày càng tăng lên, lần nào chưa đi kịp đi truyền máu thì bé lại lâm vào tình trạng tím tái da, chân tay đau nhức và nôn ói suốt ngày. Cũng giống bé Cường, những cháu khác cũng mắc bệnh Thalasmia như: H’Thảo Niê, Voong Thị Thúy… gần như phải gắn bó với việc truyền máu cả đời.

Theo ông Hóa cho biết, số lượng máu dự trữ trong bệnh viện nhằm sử dụng trong cấp cứu bệnh nhân chủ yếu được thu gom từ phong trào hiến máu nhân đạo. Việc duy trì ổn định nguồn máu này đã góp phần cứu sống rất nhiều bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo, ổn định sức khỏe để trở về với công việc và cuộc sống thường ngày. Không chỉ thu gom máu từ việc vận động hiến máu hàng tháng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã duy trì đội ngũ hiến máu dự bị, hình thành ngân hàng máu sống, đồng thời tích cực vận động nhân viên bệnh viện và người thân sẵn sàng cho máu cứu sống người bệnh khi nguồn máu dự trữ thiếu hụt. Ông Hóa nhớ mãi một trường hợp bệnh nhân ở Cư M’gar bị băng huyết không cầm máu được trong khi nguồn máu nhóm AB dự trữ ở bệnh viện không còn, người thân của bệnh nhân cũng không có ai cùng nhóm máu. May mắn là bệnh viện đã huy động được hai người tham gia ngân hàng máu sống có nhóm máu AB vào cho máu kịp thời. Hoặc mới đây có trường hợp một sản phụ đã được cứu sống qua cơn nguy kịch nhờ được bác sĩ và nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiến máu. Đó là sản phụ Dương Thị Hồng (trú tại thôn Tân Hòa 2, xã Ea Knuêk, huyện Krông Pak) bị thai chết lưu, phải phẫu thuật lấy thai. Tuy nhiên, sau khi phẫu thuật tình trạng nhau bong non đã biến chứng gây rối loạn đông máu nặng nề, tử cung co hồi kém khiến tình trạng của bệnh nhân có diễn biến xấu, có nguy cơ tử vong cao. Chị Hồng phải phẫu thuật lần hai để cắt bỏ tử cung song do chứng rối loạn đông máu vẫn tiến triển nên cần được truyền thêm máu tươi (máu chưa qua đông lạnh). Vì người thân của bệnh nhân không cùng nhóm máu nên các bác sĩ và nhân viên bệnh viện có cùng nhóm máu đã tình nguyện hiến tặng 3 đơn vị máu cứu người bệnh qua cơn hiểm nghèo. 

Gia Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.