Multimedia Đọc Báo in

Tiếng Việt và những "Sáng tạo kỳ quặc"

16:19, 22/06/2014
Trong xu thế phát triển nhanh chóng của mạng Internet, nhu cầu của việc đọc và tải thông tin ngày càng lớn, tiếng Việt được các bạn trẻ phát huy tận dụng nhằm truyền tải đầy đủ những thông tin mình mong muốn. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều mặt tiêu cực; những “sáng tạo kỳ quặc”... chỉ những người “trong cuộc” mới hiểu...

Đây là một tin nhắn “sáng tạo” kiểu đó: “Pan co koe k0?” dag lam j d0a? mik gak t0j nka pan zuj d0a, chuak bj j ckua?...” Rõ ràng, tin nhắn này tối nghĩa, sai chính tả, được các bạn trẻ dịch ra là: “Bạn có khỏe không? Đang làm gì đó? Mình gần tới nhà bạn rồi đó, chuẩn bị gì chưa?....” em Nguyễn Thị Thu Quỳnh, 16 tuổi, ở Khối 2, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết thường xuyên sử dụng dạng chữ trên trong việc nhắn tin, và đa số bạn bè của em đều nhắn tin kiểu này. Mỗi đứa có một “phong cách” riêng để thể hiện một từ, ví dụ từ “bạn” có thể viết là “pan”, “u”, “yo” (you).. và cho rằng viết như vậy vừa nhanh, vừa tiện ghi chép, nhìn lại “độc”. Do chỉ những bạn trẻ thế hệ 8x, 9x mới hiểu nên em đã hạn chế dùng chúng trong giao tiếp với bố mẹ, người thân, nhưng vẫn đôi khi vẫn nhầm lẫn. Bà Tâm, mẹ của Quỳnh cho hay, đôi khi con gái bà nhắn tin với dạng từ ngữ này đã khiến bà không hiểu gì, buộc phải gọi điện hỏi lại con gái. Còn anh Nguyễn Việt Đức, 21 tuổi, sinh viên trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ: Anh không lấy làm lạ với điều này, bởi đã quá quen với chúng. Bây giờ lên một số các trang mạng được giới trẻ truy cập nhiều như haivl.com, facebook.com... có thể bắt gặp kiểu viết này. Phần nhiều bắt nguồn từ khi điện thoại di động chỉ phổ biến dạng “12 phím”, chưa phải loại điện thoại “cảm ứng” như bây giờ. Do có hạn chế về số lượng từ cho mỗi tin nhắn, nhiều người đã nghĩ ra cách viết ngắn gọn lại để tiết kiệm câu chữ. Đồng thời, để cho nhanh, nhiều chữ cần phải ấn phím nhiều lần đã được các bạn thay thế bằng các chữ có âm na ná nhau, ví dụ “b” thành “p”, “gi” thành “j”, “v” thành “z”... Từ đó tạo nên cách viết “tiếng việt” kỳ quặc hiện nay trong giới trẻ.

Điều đáng tiếc là hầu hết các bạn trẻ  đều cho rằng việc sử dụng Tiếng Việt theo lối như trên là sự độc đáo, phá cách trong thể hiện từ ngữ mang tính đặc trưng của giới sành điệu. Khi dùng như vậy sẽ thu hút sự quan tâm của người khác, khiến họ có những ấn tượng về mình; đồng thời cũng không bị coi là “đơn điệu”, “lạc hậu” về ngôn ngữ  trên mạng.

Đề cập đến vấn đề này, cô Tạ Thị Ngọc Lan, giáo viên dạy môn Ngữ Văn trường THPT Buôn Ma Thuột cũng lo ngại về sự “biến tướng”. Tiếng Việt trong việc biểu đạt ngôn ngữ của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng ngôn ngữ kiểu “biến tướng” đó, mà nguyên nhân cơ bản là do sự thiếu hụt những tri thức cơ bản về ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng, dẫn đến xu hướng lai căng, sính ngoại, chạy theo phong trào, thích được thể hiện cá tính của giới trẻ trong cách giao tiếp, trong dùng từ, đặt câu... Bên cạnh đó còn một phần nguyên nhân do sự thiếu quan tâm, kiểm tra uốn nắn, sửa chữa từ phía gia đình, nhà trường, rộng hơn là của xã hội... nhằm giúp một bộ phận bạn trẻ sớm nhận ra sai sót trong trách nhiệm giữ gìn bản sắc ngôn ngữ của dân tộc. Do vậy để khắc phục tình trạng này, trước hết bản thân các bạn trẻ cần có những định hướng đúng đắn, tự rèn luyện trau dồi vốn ngôn ngữ của mình; đồng thời phải có sự kết hợp từ nhiều phía, đặc biệt từ phía nhà trường trong việc giáo dục, hướng dẫn, nâng cao ý thức của học sinh về giá trị cao quý Tiếng Việt...

Đức Văn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.