Multimedia Đọc Báo in

Những "người thầy" đặc biệt...

08:41, 21/06/2014

Trong suốt hơn chục năm theo nghề báo, tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm làm nghề từ những “người thầy” đặc biệt, đó là các đồng nghiệp, độc giả và cả... nhân vật trong các bài viết của mình.

Ngày mới đi làm, với một mớ lý thuyết học từ trường báo chí nào là tin hình cái tháp ngược, những đề tài có thể “phóng ra sự”..., tôi hăm hở áp dụng ngay vào thực tiễn. Lý thuyết là một chuyện, còn thực tế lại là một chuyện... khác. Những cái tin đầu tiên bị sửa “be bét”, những đoạn “tâm đắc” bị gạch một cách không thương tiếc. Lãnh đạo phòng – một người làm báo thâm niên hơn tôi mấy chục năm tuổi đời và tuổi nghề - bảo tôi: “Tin tháp ngược hay tháp xuôi gì cũng được, nhưng phải đứng ở vị trí của độc giả để hiểu xem họ cần biết hay quan tâm đến vấn đề gì từ thông tin ấy”. Bài học “phải biết độc giả cần gì” từng được giảng trong trường báo chí trở nên thật thấm thía, sinh động trong thực tế. Không chỉ “sếp”, các đồng nghiệp khác trong cơ quan cũng luôn nhiệt thành, sẵn lòng góp ý, chia sẻ những kinh nghiệm trong cách thể hiện bài viết, cách đặt tít, cách khai thác thông tin sao cho hiệu quả... Những bài học đầu tiên như thế thực sự là vốn quý đối với một phóng viên trẻ mới vào nghề như tôi.

Độc giả luôn là một người thầy cho tôi nhiều bài học bổ ích. Có lần tôi đến chơi nhà một người bạn, bố của bạn – vốn là một cựu chiến binh rất hay đọc báo bảo tôi: “Dạo này cháu viết nhiều bài. Bác đọc hết. Các bài viết đều cụ thể, rõ ràng nhưng phải cái cháu viết thật thà quá”. Tôi hiểu ngay rằng bác đang “chê” bài viết thiếu hấp dẫn; từ đó, mỗi lần đặt bút viết bài, tôi luôn cố gắng suy nghĩ, tìm tòi, cân nhắc từng câu chữ làm sao cho bài viết vừa trung thực nhưng cũng phải thu hút người đọc. Một lần tôi đi dự buổi lễ tổng kết tại một trường học, một thầy giáo trong trường khi biết tôi là tác giả bài viết về một tấm gương người tốt – việc tốt vừa đăng trên báo đã phân tích rất chi tiết về bài viết. Anh bảo: bài viết quá dài, nhiều chi tiết vụn vặt mang tính chất liệt kê, kể lể mà lại chưa làm toát lên được nét đẹp của nhân vật. Tôi lại có thêm một bài học nữa về việc cần biết chọn lọc những chi tiết “đắt” để làm nổi bật chủ đề, không vì tham thông tin mà ôm đồm, khiến bài viết thành ra dài dòng, vụn vặt. Còn nhiều nữa những bạn đọc của báo – dù tôi được gặp trực tiếp hay qua điện thoại, thư, email đã có những đóng góp hữu ích về mỗi bài viết của tôi và các đồng nghiệp trên báo. Tất cả đều là những bài học bổ ích để chúng tôi trưởng thành hơn trong nghề. Đó cũng là niềm hạnh phúc khi biết rằng những bài viết của mình, tờ báo của mình được bạn đọc quan tâm.

Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn.                                                   Ảnh: Hoàng Gia
Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn. Ảnh: Hoàng Gia

Một người thầy “đặc biệt” nữa của tôi trong nghề báo chính là các nhân vật trong bài viết. Còn nhớ, khi tôi phụ trách mảng giáo dục, có một vị lãnh đạo ngành Giáo dục của tỉnh “bị” các phóng viên khác rất “kỵ” tiếp xúc bởi ông hay vặn vẹo rất cắc cớ mỗi khi làm việc. Có lần, tôi và một đồng nghiệp báo bạn cùng phỏng vấn ông về nhiệm vụ trong năm học mới, chúng tôi đã bị ông “vặn ngược” và lộ ra những kiến thức chuyên ngành chưa nắm vững. Bài học đó khiến tôi tích cực học hỏi, tìm hiểu sâu hơn nữa về lĩnh vực mình được giao và sau đó cảm thấy tự tin, chủ động hơn mỗi khi có dịp làm việc với vị lãnh đạo ấy. Chúng tôi thường nói đùa với nhau “người làm báo cái gì cũng biết nhưng lại không biết gì hết” để rồi cùng nỗ lực học nhiều hơn, đọc nhiều hơn và hiểu sâu hơn về những kiến thức chuyên ngành mà mình phụ trách. Khi viết về những nhân vật, đặc biệt là những người có học vị cao, nghiên cứu sâu trong các lĩnh vực, tôi cũng không ngại thẳng thắn hỏi chính các nhân vật của mình về những thuật ngữ, những điều chưa hiểu; thậm chí gửi bài viết nhờ họ góp ý, chỉnh sửa về phần chuyên ngành. Mỗi lần như thế tôi lại có thêm những bài học mới.

Tôi có cơ hội học hỏi nhiều hơn nữa với những “người thầy” chính là các cộng tác viên của báo mà tôi được giao biên tập tin, bài. Các bản thảo với muôn vàn thể tài, văn phong khiến tôi – một người khá tự tin với vốn chính tả, ngữ pháp bỗng nhận ra rằng kiến thức của mình chỉ giống “một hạt cát trong đại dương mênh mông”. Làm sao để “đãi sạn tìm vàng”, gạn lọc thông tin mà không làm mất đi giọng văn đặc trưng của người viết là nhiệm vụ vô cùng khó khăn của người biên tập. Những vấp váp, những sai sót trong biên tập tin, bài do chính các tác giả hay bạn đọc góp ý được tôi tích lũy, nghiền ngẫm, rút kinh nghiệm để không lặp lại.

Làm báo là một quá trình học hỏi không ngừng, người làm báo phải luôn trong tâm thế tiếp thu, lĩnh hội. Tâm niệm này sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời sống với nghề báo.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.