Multimedia Đọc Báo in

"Điểm nóng" về tảo hôn và sinh đông con ở Ea Mđoan

11:31, 25/10/2015
Thôn 4, xã Ea Mdoal cách trung tâm huyện M’Đrắk chừng 30 km. Trong thôn hiện có 111 hộ nhưng có đến 701 nhân khẩu. Vì vậy, nhiều người quen gọi nơi đây là thôn “siêu đẻ”.

Chị Chán Thị Chứ là một trong những phụ nữ “giàu con” nhất ở thôn 4, xã Ea Mdoal với 8 người con, đứa đầu 24 tuổi, đứa út 9 tuổi. Những năm tháng mang nặng đẻ đau và lao động cực nhọc khiến sức khỏe chị yếu hẳn, hay đau ốm, vẻ tiều tụy và già trước tuổi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 4 người con đầu của chị Chứ chưa học hết lớp 5 đã lần lượt bỏ học rồi lập gia đình khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật; trong đó, người con đầu là Hàm Seo Sùng cưới vợ năm 2007 khi mới 16 tuổi, còn vợ mới 15 tuổi. Hiện tại vợ chồng Sùng đã sinh được 3 người con. Cứ như vậy không biết đến bao giờ gia đình này mới thoát được cái vòng luẩn quẩn của đông con, nghèo đói và thất học.

Cách nhà chị Chứ không xa có vợ chồng anh Vàng Seo Xà và Giàng Thị Sáo cũng đông con không kém. Hai vợ chồng chưa qua tuổi 35 mà đã sinh tới 8 người con, đứa đầu 14 tuổi, còn đứa thứ 8 mới gần 9 tháng tuổi. Đông con nên cuộc sống của gia đình anh Xà luôn trong cảnh túng thiếu. Ngoài mùa ngô, mùa sắn, hằng ngày anh Xà phải đi làm thuê, làm mướn từ sáng đến tối. Còn chị Sáo, sinh con chưa được 2 tháng cũng phải lên nương làm việc. Căn nhà của họ rất tạm bợ, 4 phía chỉ được che chắn bởi những bìa gỗ tạp, quanh năm mưa tạt, gió lùa.

Trẻ em thôn 4,  xã  Ea Mđoal (huyện M'Đrắk) không được chăm sóc đầy đủ  vì cha mẹ sinh  đông con. Ảnh:  Võ Thảo
Trẻ em thôn 4, xã Ea Mđoal (huyện M'Đrắk) không được chăm sóc đầy đủ vì cha mẹ sinh đông con. Ảnh: Võ Thảo

Từ lâu nay, thôn 4, xã Ea Mdoal được biết đến là một trong những “điểm nóng” về tình trạng tảo hôn và sinh đông con ở huyện M’Đrắk. Trong số 112 phụ nữ từ 15 đến 49 tuổi có chồng thì có đến 75 chị sinh con thứ 3 trở lên (trong đó có 33 chị sinh 5 con trở lên). Tính từ năm 2014 đến nay, trong thôn đã có 4 trường hợp tảo hôn và 11 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Nguyên nhân chính là do thôn 4 có 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào, khoảng 50% phụ nữ không biết tiếng phổ thông; phần lớn người dân còn quan niệm “con cái là trời cho” nên họ cứ sinh con theo quy luật tự nhiên.

Trước thực tế đó, hằng năm Ban Dân số-KHHGĐ xã Ea Mdoal đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền chỉ đạo các đoàn thể, ban tự quản thường xuyên lồng ghép truyền thông về dân số. Cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số cũng tổ chức nhiều buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, trực tiếp thăm hộ gia đình để tư vấn, cấp phát và hướng dẫn cách sử dụng các biện pháp tránh thai cho đối tượng… Những năm gần đây, Chi đoàn thanh niên của thôn 4 cũng tích cực phối hợp với nhiều ban ngành, đoàn thể để truyền thông về Luật Hôn nhân và Gia đình cho đoàn viên, thanh niên; tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tác hại của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được rất thấp. Anh Sùng Seo Toán, Bí thư Chi đoàn thôn 4 cho biết: “Mỗi năm chúng tôi phối hợp tuyên truyền 2-3 lần về Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng người dân ở đây vẫn giữ truyền thống lấy vợ, lấy chồng sớm. Con gái, con trai khi đến 18 tuổi, 20 tuổi mà chưa lấy chồng, lấy vợ thì sợ già”. Cũng đã có 53% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai, nhưng hiệu quả rất thấp vì họ “hay quên”.

Thảo Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.