Multimedia Đọc Báo in

Gương sáng của buôn làng

11:05, 23/10/2015
Gặp Y Plu Êung  khi ông vừa đi thu hoạch bắp từ rẫy về, nhìn cơ bắp tay cuồn cuộn của ông, ít ai nghĩ người đàn ông M’nông (ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) này đã 54 tuổi.

Không câu nệ tay chân đang lấm bùn đất, ông tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn truyền thống khá rộng thoáng. Bên chén nước trà, ông khề khà bảo: “Cuộc sống giờ bớt khổ nhiều rồi, con cái đã ra riêng hết, nhưng mình vẫn phải làm việc để vừa giúp đỡ con cháu, vừa rèn luyện sức khỏe nữa”. Quả thực, với cơ ngơi nhiều người phải mơ ước, và ở cái tuổi như ông, nhiều người đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, hưởng thụ, nhưng ông thì vẫn “ôm đồm” với bao nhiêu công việc. Ông tự hào khoe về khối tài sản lớn của mình gồm 1 ha cà phê kinh doanh, 1 ha lúa nước, 0,5 ha đất trồng màu, đàn bò 14 con, đàn gia cầm các loại trên 300 con, 1 con voi phục vụ du lịch, phòng nghỉ cho khách du lịch và nhiều công cụ sản xuất như xe công nông, máy phay ruộng, máy guồng lúa… ông đều sắm đủ cả. Với cơ ngơi đó, từ năm 2010 đến nay, năm nào ông cũng có thu nhập trên dưới 400 triệu đồng, có tiền ông mua sắm đầy đủ đồ dùng sinh hoạt trong nhà và đầu tư cho con cháu học hành đầy đủ. Ông chia sẻ, trước đây gia đình ông thuộc diện khó khăn nhất trong vùng, nhất là khi mới lập gia đình, ông chỉ có 3 sào ruộng, 5 sào rẫy bên vợ cho, dù cần cù thâm canh nhưng mãi vẫn không đủ ăn. Năm 2007, sau khi Đảng và Nhà nước có chương trình đầu tư phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc tại chỗ và đặc biệt là cho vay vốn ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua Hội Nông dân, ông đã được xét cho vay vốn để đầu tư mở rộng diện tích, phát triển sản xuất. Nhờ biết mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị trên cùng một diện tích nên chỉ sau thời gian ngắn, gia đình ông không chỉ thoát cảnh thiếu ăn lúc giáp hạt mà dần có “của ăn, của để”. Khác với mọi người, hễ gom góp được chút vốn nào là ông lại mua đất, mua thêm bò phát triển chăn nuôi…, nhờ vậy mà đến nay gia đình ông đã  có được một gia tài lớn.

Ông Y Phu Êung (phải) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với người dân trong buôn.
Ông Y Phu Êung (phải) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với người dân trong buôn.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Liên Sơn H’Loang H’Đơk cho hay, nhiều người dân trong buôn và cả thị trấn biết đến ông Y Plu không chỉ vì ông là tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn vì tấm lòng của ông đối với cộng đồng. Lúc khó khăn cũng như khi thành đạt, ông đều sẵn sàng giúp đỡ mọi người nên người dân trong buôn luôn xem ông như “vị cứu tinh” những lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Đơn cử như có một thời gian dài, ông giúp bà con về cây, con giống hoặc cho vay vốn sản xuất mà không lấy lãi. Ông bảo “Mình giúp người ta vô tư lắm, không lấy lãi mà chỉ mong sao họ làm ăn được, có tiền trả lại cho mình là vui rồi”.

Với những việc làm được, ông Y Plu Êung được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ buôn Lê. Ở cương vị này, ông càng có điều kiện giúp đỡ cộng đồng, nhất là với những hộ đồng bào nghèo trong buôn. Duy có điều làm ông trăn trở là buôn Lê có 127 hộ, nhưng vẫn còn 7 hộ nghèo, làm sao để sớm đưa họ thoát nghèo…

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.