Multimedia Đọc Báo in

Khi già làng phát huy vai trò của mình

05:53, 01/10/2017

Những năm qua, các già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Cư Pui, huyện Krông Bông đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần đáng kể trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông dài 1 km mới hoàn thành nối từ buôn Khanh ra trung tâm xã Cư Pui, Trưởng buôn Y Sơm Byă phấn khởi cho hay: Nhà nước hỗ trợ xi măng còn người dân trong buôn đóng góp thêm 600 nghìn đồng/hộ để mua cát, đá; tự nguyện hiến đất và tham gia ngày công lao động. Để làm được con đường này, ngay từ khi có chủ trương của UBND xã, Trưởng buôn Y Sơm cùng với già làng, một số người có uy tín trong buôn đã đến từng nhà vận động nhân dân. Lúc đầu chưa hiểu, nhiều người còn e ngại, chần chừ và có tư tưởng trông chờ Nhà nước. Nắm bắt được tâm lý đó, trưởng buôn và các già làng đã khéo léo lồng ghép tuyên truyền, vận động trong những lúc chuyện trò, mặt khác tiên phong đóng tiền, hiến đất làm đường. Khi hiểu được việc làm đường giúp người dân trong buôn hưởng lợi trước tiên, nên họ đã nhiệt tình hưởng ứng.

Ông Y Sơm Byă, Trưởng buôn Khanh giới thiệu con đường mới được bê tông hóa do người dân đóng góp.
Ông Y Sơm Byă, Trưởng buôn Khanh giới thiệu con đường mới được bê tông hóa do người dân đóng góp.

Ở buôn Đắk Tua, già làng Y Muôm Byă được xem như tấm gương sáng trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Ông đã tích cực vận động người dân trong buôn chung sức, đồng lòng thực hiện nếp sống văn hóa tại khu dân cư, từ bỏ những tập tục lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Hưởng ứng vận động của già làng, những năm qua, nhân dân trong buôn đã hiến trên 600 m2 đất, đóng góp hàng trăm ngày công lao động và gần 200 triệu đồng để làm các công trình phúc lợi trong buôn. Bên cạnh đó, người dân cũng tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập. Đến nay, trong buôn không còn nhà tạm bợ, nhiều gia đình đã xây dựng được nhà mới khang trang. Bộ mặt nông thôn của buôn đã có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng trong xây dựng NTM ở xã Cư Pui. “Để dân làng tin tưởng và làm theo, bản thân tôi luôn tâm niệm phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua và cùng với con cháu tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình” - già làng Y Muôm chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, những năm qua, các già làng, trưởng buôn, người uy tín trong cộng đồng đã cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, quyết tâm làm thay đổi diện mạo quê hương. Gia đình và bản thân các già làng, người uy tín ở Cư Pui luôn đi đầu trong việc hiến đất, góp tiền, góp công xây dựng nông thôn mới. Điển hình như già Y Pi Mlô, ông Ngô Xuân Hồng ở buôn Khanh sẵn sàng hiến hàng trăm mét đất thổ cư để làm đường, kéo điện về buôn.

Xã Cư Pui hiện có khoảng 2.400 hộ dân, trong đó 85% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Êđê, M’nông, Mông, Tày... cư trú tại 13 thôn, buôn. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, người dân đã tự nguyện đóng góp trên 745 triệu đồng, hàng nghìn ngày công lao động và hàng trăm mét vuông đất để làm đường, sửa cầu, nâng cấp kênh mương thủy lợi nội đồng, xây dựng hệ thống đường điện và các công trình phúc lợi công cộng khác. Đến nay, Cư Pui đã hoàn thành 5/19 tiêu chí NTM và đã thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn của huyện.

Thanh Nguyệt


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.