Multimedia Đọc Báo in

Bán trú dân nuôi: Cơ hội đến trường cho học sinh vùng khó khăn

05:49, 01/10/2017

Nhằm giảm bớt tình trạng học sinh phải bỏ học giữa chừng ở những vùng đặc biệt khó khăn, đầu năm học 2017 – 2018, Huyện Đoàn Ea Súp phối hợp với Quỹ thiện nguyện Vì yêu thương (TP. Hồ Chí Minh) đưa vào hoạt động điểm “Bán trú Vì yêu thương” theo mô hình bán trú dân nuôi.

Thêm cơ hội đến trường

Huyện Ea Súp là 1 trong 2 huyện biên giới của tỉnh, tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 50% dân số, đời sống còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, một bộ phận học sinh ở đây do điều kiện trường ở xa, đường sá đi lại khá hiểm trở, không thể trở về nhà trong ngày khiến nhiều em học sinh phải bỏ học. Hiện nay, ở một số nơi như Tiểu khu 249 (xã Ea Lê), thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan)… hầu hết học sinh đều chưa học xong cấp III.

Mong muốn cho con em mình học hành đến nơi đến chốn, nhiều bậc phụ huynh ở đây đã bỏ thời gian để chở các em đến trường. Em Bàn Thị Thanh Thảo (sinh năm 2003, thôn Bình Lợi, xã Cư M’lan) kể, do bố mẹ em thường phải đi làm ăn xa nên khi em bắt đầu lên lớp 1, gia đình gửi em đến nhà bà con tại tỉnh Đắk Nông để đi học. Mỗi năm em chỉ được về nhà đúng 2 lần vào dịp Tết và nghỉ hè. Học xong lớp 2, bố mẹ trở về thôn Bình Lợi làm ăn, em chuyển về tiếp tục theo học ở một trường tại trung tâm huyện Ea Súp. Hằng ngày, 2 mẹ con phải dậy rất sớm, chở em đi hơn 30 cây số hầu hết là đường đất hiểm trở nắng thì bụi tung mù mịt, mưa thì lầy để đến trường, buổi chiều lại quay ra đón về. Khó khăn quá nên khi học đến lớp 4 em tiếp tục phải bỏ dở việc học 2 năm, đến khi tại thôn Bình Lợi có trường cấp I em mới được đi học lại. Năm nay, Thảo lên cấp II, cũng như nhiều bạn khác trong thôn, em sẽ phải ra trung tâm huyện để học. Dù mới 12, 13 tuổi nhưng để được đi học các em phải xa gia đình thuê trọ “ở riêng” tự chăm sóc bản thân, tự lo chi tiêu, học hành, cơm nước… đến cuối tuần mới trở về nhà. Nay, được Huyện Đoàn tạo điều kiện cho em cùng 14 bạn khác ở thôn Bình Lợi – vùng đặc biệt khó khăn - được ở trong điểm “Bán trú Vì yêu thương” cho em thêm cơ hội để đến trường.

  Giờ ăn trưa của các em học sinh tại điểm bán trú Vì yêu thương.
Giờ ăn trưa của các em học sinh tại điểm bán trú Vì yêu thương.

Điểm bán trú gồm 3 phòng nội trú của Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (thôn 4, xã Cư M’lan), được Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện cho sử dụng miễn phí trong 3 năm. Quỹ Vì yêu thương đã tài trợ kinh phí để Huyện Đoàn Ea Súp mua sắm các trang thiết bị ban đầu như giường, chiếu, gối, mền, bàn học, đèn bàn, vật dụng bếp… và hỗ trợ tiền ăn cho 10 em với suất ăn 15.000 đồng/em/ngày trong suốt 9 tháng của năm học nhằm bớt đi những lo lắng về sinh hoạt cho các em.

Chung tay xây dựng điểm bán trú

Để động viên các em học tập, góp phần nhân rộng mô hình bán trú trên địa bàn giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, điểm bán trú không chỉ nhận được sự hỗ trợ của Quỹ thiện nguyện Vì yêu thương mà còn nhận được sự quan tâm của rất nhiều mạnh thương quân trên địa bàn, thường xuyên ủng hộ thêm tiền ăn, gạo, thực phẩm… giúp đỡ cho các em. Bên cạnh đó, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng cũng phân công 2 cô giáo phụ trách việc quản lý các em nhằm hỗ trợ các em trong học tập, sinh hoạt. Cô Nguyễn Thị Hiếu (Tổng phụ trách Đội của trường) cho biết, cô được phân công việc giám sát các em trong quá trình sinh hoạt tại điểm bán trú. Do các em ở đây đều là người dân tộc thiểu số, lại mới chỉ 12, 13 tuổi, chưa thể tự lo hết cho bản thân nên mỗi ngày ít nhất 2 lần cô phải vào tận nơi theo dõi, đốc thúc giờ giấc sinh hoạt. Mỗi sáng, sau khi đi chợ mua thực phẩm đưa đến cho các em, cô tranh thủ nấu sẵn đồ ăn cho các em để bữa ăn hằng ngày luôn bảo đảm.

Học sinh tại điểm bán trú cùng với thầy cô và các anh chị tình nguyện viên tăng gia sản xuất.
Học sinh tại điểm bán trú cùng với thầy cô và các anh chị tình nguyện viên tăng gia sản xuất.

Nhờ sự quan tâm đó, các em học sinh tại đây luôn tự ý thức cố gắng, vươn lên, thực hiện đúng quy định về giờ giấc ăn, ngủ, học tập. Các công việc hằng ngày như dọn phòng, đổ rác, rửa rau, rửa bát, nấu nướng… đều được các em phân công nhau làm, không mâu thuẫn, tị nạnh. Sau khi ăn cơm tối xong, các em đều dành thời gian học tập, em học khá hỗ trợ cho các em học yếu hơn để cùng vươn lên học tập tốt. Đặc biệt, vào những ngày cuối tuần các em còn ở lại cùng các thầy cô giáo, các anh chị tình nguyện viên tại địa phương tổ chức tăng gia sản suất, trồng thêm các loại rau xanh để cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của Huyện Đoàn Ea Súp và các mạnh thường quân, mong rằng mô hình bán trú này sẽ ngày càng mở rộng, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học tại đây.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.