Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc nghề làm đầu lân gia truyền

05:50, 01/10/2017

Một mùa trung thu nữa lại đến, gia đình anh Trương Ngọc Nhân (SN 1984) ở thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar lại bận rộn với việc làm đầu lân để kịp cung ứng sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Được lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm đầu lân ở mảnh đất Quảng Nam, sau khi lập gia đình, năm 2010 vợ chồng anh Nhân quyết định di cư vào Đắk Lắk sinh sống, mang theo nghề làm lân gia truyền. Anh Nhân cho biết, để làm ra một đầu lân tốn rất nhiều thời gian, ngay từ tháng 4 âm lịch vợ chồng anh phải chuẩn bị nguyên vật liệu, thuê nhân công... để kịp cho ra những sản phẩm vào đầu tháng 8 khi không khí trung thu bắt đầu nhộn nhịp.

Vì làm hoàn toàn bằng thủ công nên thông thường để hoàn thiện một đầu lân phải mất hơn một tuần và trải qua nhiều công đoạn. Theo đó, đầu tiên là dùng dây mây định hình khuôn đầu lân, dán giấy và lợp vải kim sa lên khuôn để tạo hình; sau đó, sơn vẽ hoa văn, gắn lông vũ, đèn led… cho con lân thêm rực rỡ, bắt mắt. Theo anh Nhân, trước đây, đầu lân đơn giản chỉ quét sơn và hình thức theo khuôn mẫu nhưng với thị hiếu ngày càng cao của khách hàng như hiện nay, việc thiết kế đầu lân đòi hỏi sự tỉ mỉ và sáng tạo của nghệ nhân. Trong đó quan trọng nhất là trang trí đôi mắt sao cho có thần thái, lân khi múa tỏ ra hung dữ, mạnh mẽ hay hiền lành. Một chiếc đầu lân đẹp phải toát lên vẻ dũng mãnh nhưng nhẹ nhàng, uyển chuyển, màu sắc sống động. Cửa hàng của anh Nhân có hàng chục loại lân khác nhau như: sư tử, lân rồng, lân mã... Căn cứ vào độ lớn và trọng lượng mà lân lại được chia làm nhiều kích thước từ lân tiểu, lân trung, lân đại.

Anh Nhân đang chỉnh trang lại các chi tiết trên chiếc đầu lân.
Anh Nhân đang chỉnh trang lại các chi tiết trên chiếc đầu lân.

Nhìn cách anh chăm chút cho từng con lân, chúng tôi cảm nhận được niềm say mê, tự hào của anh với nghề. Anh Nhân chia sẻ, nghề làm lân lợi nhuận không cao, với một đầu lân mã lớn có giá bán cao nhất khoảng 4 triệu đồng thì chi phí làm ra đã mất 80%, chủ yếu vợ chồng anh lấy công làm lời, nhưng mỗi sản phẩm đều là tâm huyết của anh để giữ lấy nghề truyền thống, đem lại niềm vui cho trẻ thơ.

Sản phẩm đầu lân chủ yếu bán vào dịp Tết Trung thu và trước các ngày lễ hội nhưng gia đình anh Nhân bận rộn quanh năm. Bình quân mỗi năm cửa hàng anh sản xuất từ 2.000-3.000 sản phẩm, cung cấp cho bạn hàng ổn định từ khắp các tỉnh thành.  Với tay nghề thuần thục và năng khiếu sáng tạo trong từng nét vẽ, đầu lân của gia đình anh luôn làm khách hàng hài lòng, tin tưởng. Ngoài những mẫu được đặt theo yêu cầu, năm nào anh Nhân cũng bổ sung từ 2-3 mẫu mới để khách có thêm sự lựa chọn.

               Thùy Linh-Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.