Multimedia Đọc Báo in

Sức bật ở huyện vùng biên

19:34, 09/02/2021

Với việc biết phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như tranh thủ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, huyện biên giới Buôn Đôn đã tạo nên “cú hích” đổi thay mạnh mẽ.

Khai thác thế mạnh du dịch

Nhờ thiên nhiên ưu đãi, với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng hùng vĩ, thơ mộng gắn với những điểm du lịch như: Khu du lịch Cầu treo, Vườn Quốc gia Yok Đôn, Khu du lịch sinh thái Bản Đôn - Ánh Dương, điểm du lịch sinh thái Troh Bư… Buôn Đôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là “đòn bẩy” để thúc đẩy kinh tế phát triển. Trung bình mỗi năm, các khu, điểm du lịch của Buôn Đôn thu hút từ 250.000 - 300.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch, cho doanh thu trên 31,5 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ.

Điểm du lịch sinh thái Troh Bư được du khách chọn tham quan khi đến Buôn Đôn
Điểm du lịch sinh thái Troh Bư được du khách chọn tham quan khi đến Buôn Đôn.
“Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt trên 10%/năm đã giúp địa phương có thêm nguồn lực, quay trở lại đầu tư thực hiện các chương trình an sinh xã hội, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm xuống khoảng 3%”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr thì có được kết quả trên, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để cụ thể hóa Chương trình hành động số 15 về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó tập trung mọi nguồn lực, huy động kinh phí, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở lưu trú và tập trung nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm du lịch cũng như tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu… thu hút du khách đến với Buôn Đôn. Vùng đất của huyền thoại “Vua” săn voi Y Thu Knul trở thành điểm đến, ưu tiên chọn lựa hàng đầu của du khách khi đến Buôn Đôn, bởi ngoài việc được khám phá vẻ đẹp nguyên sơ nơi đây, họ còn có cơ hội tìm hiểu, hòa mình vào những lễ hội truyền thống, đặc sắc của các dân tộc anh em, đón Tết Bunpimay của người Lào, thưởng thức những điệu chiêng của các dân tộc Êđê, M’nông, Mường… theo những nghi lễ đặc sắc, rất riêng của từng dân tộc.

Đột phá vào lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng

 Là huyện có thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đất đai bạc màu, Buôn Đôn đã tập trung nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, trong đó chú trọng phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, bước đầu đã đưa ngành nông nghiệp sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP.  Huyện bố trí, dành hơn 4,4 tỷ đồng hỗ trợ, xây dựng những mô hình chăn nuôi, trồng trọt.

Một nghi thức trong Tết Bunpimay của người Việt gốc Lào  ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.
Một nghi thức trong Tết Bunpimay của người Việt gốc Lào ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

“Những miệt vườn trên cao nguyên”, trồng xen canh các loại cây ăn trái, kết hợp chăn nuôi như mô hình của nông hộ Nguyễn Thị Bảy, Giã Minh Thới (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl) không những giúp người dân cải thiện thu nhập mà còn trở thành những điểm du lịch sinh thái, thu hút du khách đến tham quan, khám phá. Theo Phòng NN-PTNT huyện, hiện diện tích cây ăn trái của địa phương khoảng 1.200 ha, với gần 150 mô hình trồng trọt, kết hợp chăn nuôi cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, với đặc thù khí hậu nắng nóng, Buôn Đôn có tiềm năng lớn phát triển điện năng lượng mặt trời, vì vậy địa phương chủ động mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy, hệ thống điện năng lượng mặt trời với nguồn vốn lên đến 3.460 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến Cụm nhà máy điện mặt trời Sêrêpôk 1 - Quang Minh có tổng công suất 100 MWp - một trong những nhà máy có công suất lớn nhất Việt Nam. Nhờ đó, địa phương chủ động được nguồn điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

 

Lắp đặt, xây dựng điện năng lượng mặt trời tại xã Ea Wer
Lắp đặt, xây dựng điện năng lượng mặt trời tại xã Ea Wer.

Tranh thủ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ

Là huyện biên giới còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm hơn  51% dân số, Buôn Đôn được thụ hưởng nhiều chương trình đầu tư của Đảng, Nhà nước cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… để triển khai các hoạt động an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Những Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ xây nhà 167 được địa phương triển khai đồng bộ, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực. Đơn cử như với kinh phí được cấp 42 tỷ đồng từ Chương trình 135, Buôn Đôn đầu tư xây dựng 90 công trình đường giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại, góp phần đổi thay mạnh mẽ diện mạo quê hương và tạo thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, với tinh thần tự lực tự cường, biết khơi dậy nội lực, sự đồng thuận của nhân dân, Buôn Đôn tạo nên bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo đó toàn huyện đã đạt 89/133 tiêu chí nông thôn mới, bình quân đạt 12,7 tiêu chí/xã. Đây là một con số đáng khích lệ đối với một huyện còn nhiều khó khăn như Buôn Đôn.

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.