Multimedia Đọc Báo in

Để tình trạng xe quá khổ, quá tải được giải quyết triệt để, tận gốc

08:58, 07/05/2014
Từ ngày 1-4-2014 đến nay, khi cả nước đồng loạt ra quân xử lý xe quá khổ, quá tải, giới tài xế xe tải cũng tìm mọi cách để đối phó với tình hình thị trường vận tải đang thay đổi từng ngày từng giờ.

Một số lái xe tuyến Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh và tuyến Bắc - Nam cho biết: Các nhà xe nháo nhác cả lên, người thì nghỉ chờ hết đợt “cao điểm” mới chạy tiếp, người thì bỏ phần thùng xe cơi nới trước đó để giữ đúng tải, người thì tháo bỏ tất cả những vật dụng không cần thiết nhằm giảm trọng lượng thân vỏ xe sao cho nhẹ nhất để có thể chở thêm từ 500 - 1.000 kg… Thời điểm các trạm cân kiểm tra chặt, giá cước Buôn Ma Thuột đi TP. Hồ Chí Minh gần như đã lên “kịch kim” 900.000 - 1.500.000 đồng/tấn. Giá cước tăng, nhà xe nào cũng muốn chạy đúng tải. Đến khi đợt cao điểm “hạ nhiệt”, giá cước trở lại mức 500.000 đồng/tấn, chở đúng tải nhà xe không muốn đi. Nhiều lái xe tâm sự: “Nghe nói sắp tới Nhà nước tiếp tục làm gắt trở lại, khi đó giá cước tăng, cứ chở đúng tải cho chắc ăn”. Những lái xe “gan lì” hơn vẫn chất hàng quá tải vì cước từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội đội giá lên 3,2 - 4 triệu đồng/tấn, trót lọt một chuyến thì túi rủng rỉnh nên cứ đi đại, nơi nào “làm căng” thì tấp vào lề nằm chờ để canh, né trạm cân.

Xe quá tải nghênh ngang giữa phố.
Xe quá tải nghênh ngang giữa phố.

Thực tế lâu nay cho thấy, việc xử lý xe quá khổ, quá tải chỉ ở dạng “phong trào”, hết cao điểm thì tình trạng vi phạm tải trọng lại tiếp diễn. Trong những đợt cao điểm, lái xe phải trốn chui, trốn nhủi; bị bắt, nếu bị phạt thì trăm thứ thiệt hại: bị phạt tiền, bị nhốt xe, bị sang hạ tải (tiền sang hạ tải, tiền bến bãi đều do lái xe chịu), bị treo giấy phép lái xe, nặng hơn thì phải học và thi lại Luật Giao thông, mất công ăn việc làm… Lái xe Nguyễn Hồng Ngân đang chạy tuyến Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh tâm sự: “Cứ mỗi đợt Nhà nước tổ chức chiến dịch cao điểm xử lý xe quá tải là một lần cánh lái xe tải lại rơi vào “mùa sóng gió” bởi đa số đều là xe tư nhân. Nhiều gia đình vay mượn, thế chấp ngân hàng sắm chiếc xe để kiếm cơm, phải tự bươn chải, tự lo hàng hóa. Giá cả hoàn toàn phụ thuộc đám cò mồi ở các đầu bến. Xe nhiều thì cò mồi ép giá thấp xuống, nhà xe tranh nhau ai đi được thì đi. Xe ít thì giá mới có cơ may cao hơn một tý. Giá cước vận tải thấp nên nhà xe đành phải chấp nhận chở quá tải”. Anh Ngân cho rằng:  để nhà xe thích nghi dần với việc xử lý xe quá khổ, quá tải thì Nhà nước cần phải thông báo rộng rãi và cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý cho nhà xe; đồng thời đưa việc xử lý xe quá khổ, quá tải đi vào thường xuyên, liên tục. Cơ quan Nhà nước cần hỗ trợ nhà xe bằng cách định hướng, phân phối hàng hóa, cân đối giá cả hợp lý để nhà xe yên tâm làm ăn.

Khi được hỏi về nguyện vọng của lái xe trước việc Nhà nước kiên quyết loại trừ xe tình trạng quá khổ, quá tải ra khỏi đời sống, các lái xe đều mong Nhà nước quyết liệt vào cuộc xử lý vi phạm xe quá tải một cách kiên quyết, tận gốc. Nếu xử lý đồng bộ mọi vướng mắc, giá cước sẽ tăng cao, công việc sẽ nhiều lên và chạy đúng tải sẽ đỡ hao mòn hư hỏng, đỡ nguy hiểm, tai nạn. Nhiều lái xe cũng cho rằng: Để xử lý xe quá khổ, quá tải tận gốc, cần có chế tài giám sát chặt chẽ lực lượng kiểm tra cân xe để tránh tiêu cực, tránh hiện tượng bảo kê “xe nhà”, “xe vua” như đã từng xảy ra. Ngoài ra cũng cần có chính sách quán triệt trực tiếp đến chủ hàng, kho tàng bến bãi, cảng biển… kiên quyết không xuất hàng quá tải so với giấy phép lưu hành, đơn vị nào cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý thật nặng.

Trương Nhất Vương

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.