Multimedia Đọc Báo in

Sắc xanh giữa mùa khô biên giới

06:21, 25/03/2021

Mặc cho mùa khô Tây Nguyên khắc nghiệt, nhất là ở vùng biên khô cằn đầy nắng gió, song ở các đồn biên phòng vẫn mát lành sắc xanh cây lá từ chính bàn tay người lính tạo dựng nên.

Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công việc của người lính biên phòng càng thêm vất vả. Khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn, các anh vẫn căng mình bám trụ nơi biên giới để bảo vệ sự bình an cho nhân dân. Phát huy phương châm “4 tại chỗ”, ngoài chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, thì hậu cần tại chỗ được đặc biệt chú trọng. Theo Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, muốn bộ đội có sức khỏe tốt, yên tâm gắn bó với đơn vị, trước tiên công tác hậu cần phải bảo đảm để phục vụ tốt đời sống cán bộ, chiến sĩ. Tại các đồn biên phòng và các chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên tuyến biên giới dài hơn 73 km tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), lực lượng BĐBP đã tận dụng nguồn nước, đất đai tại chỗ để trồng trọt, chăn nuôi nhằm bảo đảm lương thực, thực phẩm tại chỗ...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yók Đôn tăng gia sản xuất.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yók Đôn tăng gia sản xuất.

Đến thăm Đồn Biên phòng Yók Đôn những ngày mùa khô nắng như đổ lửa, ai cũng ấn tượng với khuôn viên xanh mát bởi những hàng cây cảnh được cắt tỉa cẩn thận, đủ loại hoa rực rỡ đua sắc, khu tăng gia tươi tốt rau quả, vật nuôi. Thiếu tá Phạm Văn Giáp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Yók Đôn cho biết: “Đơn vị đóng quân xa khu dân cư, việc tiếp nhận lương thực, thực phẩm hằng ngày rất khó khăn nên công tác tăng gia sản xuất được cấp ủy, chỉ huy đơn vị đặc biệt quan tâm, nhất là khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Điều kiện tự nhiên khu vực biên giới có nhiều đồi núi, khe suối khá thuận lợi cho tăng gia sản xuất. Nhờ khai thác thế mạnh tại chỗ, kết quả tăng gia sản xuất năm 2020 của đơn vị đạt khá cao, tổng thu trên 90 triệu đồng. Hiện đơn vị đã chủ động bảo đảm được 100% rau xanh, 50% thịt các loại cho bếp ăn”.

Trong năm 2020, các đơn vị trực thuộc BĐBP tỉnh đã thu hoạch hơn 75 tấn rau củ quả; 7,8 tấn thịt các loại; 49,5 tấn cá; chăn nuôi trên 2.500 con gia súc, gia cầm… Tổng giá trị thu từ tăng gia sản xuất đạt trên 1,25 triệu đồng/người.

Tương tự, Đồn Biên phòng Bo Heng đã xây dựng được hệ thống vườn rau xanh, vườn cây ăn trái phù hợp với đất đai, khí hậu, đồng thời bố trí khu chăn nuôi hợp lý trên tổng diện tích khoảng 5 ha, bảo đảm tự túc rau xanh và một phần thực phẩm. Năm 2020, nhờ tích cực tăng gia sản xuất nên đơn vị chủ động được khoảng 3 tấn rau củ quả; trên 1,7 tấn cá; hơn 800 kg thịt gia súc, gia cầm… Tổng thu từ các nguồn tăng gia sản xuất đạt trên 100 triệu đồng. Binh nhất Huỳnh Phước Thịnh chia sẻ: “Hằng ngày, ngoài nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ biên giới, chúng tôi còn tranh thủ tăng gia sản xuất và rất vui khi được thưởng thức bữa ăn với sản phẩm do chính mình làm ra. Thông qua các buổi tăng gia, chúng tôi cũng đúc rút được những kinh nghiệm quý báu để áp dụng vào thực tế sau này”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng tăng gia sản xuất.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng tăng gia sản xuất.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Kiều, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bo Heng, mặc dù đóng quân trên khu vực gặp rất nhiều bất lợi về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng nhưng đơn vị xác định phải khắc phục bằng được, chỉ riêng việc cải tạo đất đã mất rất nhiều công sức, từ đào đất thịt ở nơi khác về đổ vào vườn đến tận dụng phân chuồng để tăng độ màu mỡ cho đất... Việc bảo đảm công tác hậu cần đã góp phần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, hăng hái thi đua, lao động sản xuất, là cơ sở để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống…

Nhờ chủ động tăng gia sản xuất, bảo đảm nguồn lương thực thực phẩm tại chỗ nên dù ở nơi biên cương đầy nắng gió và phải căng mình thực hiện nhiệm vụ kép vừa tuần tra, bảo vệ biên giới vừa chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng lực lượng BĐBP trên biên giới vẫn duy trì được tỷ lệ quân số khỏe đạt trên 98%.

Thế Hùng
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.