Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV: Cần có cơ chế đặc biệt, đặc cách về giá, chỉ định thầu

18:25, 07/01/2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, chiều 7/1 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu xem xét, đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/202 và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Đóng góp ý kiến tại phiên làm việc, các đại biểu tán thành và đánh giá cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 cũng như sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội. Nghị quyết ra đời đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong công tác phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, nguy hiểm khó lường, đe dọa tính mạng và sức khỏe của người dân. 

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận tại hội trường. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu khẳng định, Nghị quyết 30 không chỉ là một sáng kiến lập pháp mà còn hơn thế là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cả hệ thống chính trị và người dân Việt Nam trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ, huy động được tổng lực tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Cho rằng trong tình hình hiện nay dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh, đại biểu đề nghị cần cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, các hoạt động phòng chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng chống dịch. 

Trong đó, việc thanh toán chi phí phòng chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19, đại biểu đề nghị quy định trong dự thảo Nghị quyết yêu cầu các thủ tục phải đơn giản, rút gọn.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cũng cho rằng nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh; phải tăng cường công tác phân tích, dự báo; tăng thêm chi phí cho ngành y tế để tăng cường công tác phân tích, dự báo phòng chống các dịch bệnh.

Đại biểu cho biết, hiện nay chưa có cơ chế để các địa phương, đơn vị đã ứng trước hàng hóa, thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế của doanh nghiệp phục vụ cấp bách cho việc cứu dân. Nhưng sau khi dịch được kiểm soát, các địa phương, cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn về quy trình, quy định thanh, quyết toán kinh phí. Các địa phương cũng không thể mua hàng hóa đã tạm ứng để trả lại cho doanh nghiệp; hoặc không có cơ chế thanh toán đặc biệt để hoàn tiền lại cho các doanh nghiệp.

Hơn nữa, việc xác định giá các loại hàng hóa tại thời điểm dịch bệnh rất bất cập do nguồn cung vô cùng khan hiếm, đẩy giá các mặt hàng y tế tăng cao. Bên cạnh đó, việc tham khảo giá trên các trang thông tin của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều thông tin khác nhau, nhiều mức giá khác nhau tại cùng một thời điểm.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội trên cơ sở quy định Nghị quyết 30 giao cho Chính phủ tiếp tục có cơ chế đặc biệt đặc cách về giá, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xác định và công bố giá hợp lý trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung hàng hóa và có cơ chế đặc biệt về chỉ định thầu, nhằm tháo gỡ những khó khăn lớn nhất cho các địa phương, doanh nghiệp…

Trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề như: cơ chế hợp tác, nghiên cứu về hậu COVID-19; việc chi trả hỗ trợ cho các đối tượng tham gia chống dịch; những khó khăn, vướng mắc trong gia hạn thuốc…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Qua tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội với 48 ý kiến tại tổ và 8 ý kiến tại hội trường cho thấy đại biểu Quốc hội đều thông cảm, chia sẻ với ngành y tế và mong muốn có thêm nhiều giải pháp khắc phục những vướng mắc.

Về nguyên nhân chưa hoàn thành thanh toán chi phí và các việc triển khai thực hiện trong thực tiễn, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, do đây là lần đầu tiên có một đại dịch như này, số lượng người mắc cao, nhiều tình huống phát sinh khó dự đoán. Các cơ quan vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, kể cả phác đồ điều trị cũng phải thay đổi liên tục, nhân lực làm chuyên môn y tế thiếu. Do đó, việc lập các giấy tờ, thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn.

Thời gian vừa qua, để tập trung giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã rà soát và ban hành Thông tư, sửa đổi Thông tư 56 về những thủ tục giải quyết chế độ nghỉ việc để hưởng bảo hiểm xã hội. Đây là một trong những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về mặt quy trình, thủ tục, thực tiễn để các địa phương triển khai thực hiện.

Liên quan đến việc giải quyết những vướng mắc trong gia hạn thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết vấn đề này sẽ giải quyết triệt để trong Luật Dược (sửa đổi). Bộ trưởng cũng làm rõ các vấn đề về hậu COVID-19; xử lý thuốc, vật tư dư…

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã xem xét Tờ trình và Báo cáo thẩm tra việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.