Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV: Quy hoạch tổng thể quốc gia cần chú trọng đến không gian phát triển

12:10, 07/01/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, sáng 7/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tại kỳ họp này. Đại biểu nhấn mạnh đây là nội dung vô cùng quan trọng, là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ và phức tạp nhưng đây cũng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn về xây dựng đất nước trở thành hùng cường. Đại biểu cũng lưu ý đến yêu cầu Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia cần bảo đảm khả thi, hiệu quả, dễ đọc, dễ nhớ, dễ đánh giá và thuận lợi giám sát và thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, phải rõ cụ thể nhưng cũng không được mâu thuẫn thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác. Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà đã được Đại hội Đảng ban hành. 

Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động. Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào, Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý. 

Đại biểu nhấn mạnh, quy hoạch nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh, không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc. Nếu vẫn giữ các mục tiêu cụ thể, kịch bản tăng trưởng cao, cần làm rõ quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai trò cụ thể như thế nào để tạo ra những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu đó.

Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đóng góp ý kiến thảo luận tại phiên họp, đại biểu cho rằng cần bổ sung quan điểm tổ chức không gian phát triển liên quan đến tài nguyên và khoáng sản. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung về đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường trong mục tiêu phát triển đến năm 2030. Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng phải bổ sung dự án biến đổi khí hậu trong danh mục các dự án quan trọng của quốc gia tại phụ lục kèm theo Quyết định.

Về định hướng phát triển vùng và liên kết vùng, đại biểu cho rằng báo cáo mới chỉ đề cập đến định hướng và các nội dung phát triển kinh tế - xã hội của nội vùng, chưa thể hiện được mối quan hệ giữa các vùng với nhau, chưa có định hướng cũng như những nội dung cụ thể liên kết vùng.

Do đó, đại biểu đề nghị đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh đồng bộ liên kết vùng; có cơ chế điều phối quản trị vùng nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển vùng để tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị có thêm những phân tích, đánh giá về khả năng cân đối, huy động để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của giai đoạn này; có những giải pháp chiến lược, căn cơ, bài bản, khả thi để huy động nguồn lực cho đầu tư, đặc biệt là nguồn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về kết cấu, nội dung các mục tiêu, chỉ tiêu của dự thảo Nghị quyết và Quy hoạch; phạm vi, mức độ chi tiết và tính khái quát, phương pháp tiếp cận, căn cứ lập quan điểm, mục tiêu và kịch bản phát triển; về nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch, các vùng động lực và hành lang kinh tế; định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch; danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện…

* Chiều nay (7/1), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về: Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.