Multimedia Đọc Báo in

Thành phố cà phê vươn tầm thế giới

08:17, 10/03/2023

48 năm sau ngày giải phóng, TP. Buôn Ma Thuột đang vươn mình trở thành một đô thị giữ vai trò quan trọng của vùng Tây Nguyên, với khát vọng lớn trở thành thương hiệu đô thị độc đáo gắn với cà phê ở tầm thế giới.

Hành trình kiến tạo

Được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I vào năm 2010, Buôn Ma Thuột không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Đắk Lắk mà còn là đô thị có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên. Cũng từ năm 2010, sau khi có Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị, Buôn Ma Thuột đã có những bước tiến vượt bậc, từng bước khẳng định là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng.

Ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kết luận định hướng phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, các giá trị văn hóa, lịch sử.

Buôn Ma Thuột trên hành trình vươn tới, xứng tầm thủ phủ cà phê. Ảnh: Hoàng Gia

Triển khai Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 9/7/2020 về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 72/2022/QH15, ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã và đang tập trung huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, cùng với việc vận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo nên bước đột phá cho Buôn Ma Thuột phát triển, trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.

 

Bên cạnh những yếu tố thuộc về “phần cứng”, thì yếu tố “phần mềm” (văn hóa, lối sống, sinh kế thị dân…) cũng được thành phố đặc biệt chú trọng trong quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố, để giá trị về văn hóa, con người Buôn Ma Thuột góp phần khẳng định tầm vóc của đô thị cà phê, là đô thị “đáng sống” của người dân, điểm đến lý tưởng của du khách trong tương lai”.

 
Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật

Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Trần Đức Nhật khẳng định: Để đáp ứng yêu cầu phát triển, thành phố đang từng bước tái cấu trúc lại đô thị, nâng cấp hạ tầng cơ sở, cải tạo các khu cũ và đô thị hóa các khu vực ven đô. Trong đó, vận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, phát huy vai trò kết nối liên vùng trong định hướng quy hoạch tỉnh, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế của TP. Buôn Ma Thuột theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk, xứng tầm đô thị hạt nhân của vùng.

Tầm vóc thương hiệu

Trong bối cảnh hiện nay, trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đô thị trong quá trình toàn cầu hóa, Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu đến năm 2045, xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Việc lựa chọn các đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành các đô thị có thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao trong khu vực, quốc tế vì vậy càng trở nên cấp bách. Đây là cơ hội cho Buôn Ma Thuột bởi thành phố này đang sở hữu nhiều tiềm năng, hội tụ nhiều yếu tố đặc trưng riêng có về cảnh quan, đa dạng, phong phú về văn hóa.

Cà phê rang xay truyền thống là nét độc đáo trong thưởng thức cà phê ở Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia

Tầm nhìn chiến lược trong Đề cương Đề án Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”; phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia (đang được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự toán triển khai thực hiện) là xây dựng Buôn Ma Thuột với những giá trị khác biệt, độc đáo của một đô thị xanh - sinh thái - thông minh mang bản sắc vùng Tây Nguyên, quy tụ người yêu và đam mê cà phê trên toàn cầu.

Có nghĩa, Buôn Ma Thuột với thương hiệu “Thành phố cà phê của thế giới” không những có nền kinh tế thịnh vượng, tính cạnh tranh cao mà còn phát huy giá trị địa lý, sinh thái, đặc trưng văn hóa, thân thiện, gắn kết cộng đồng với những giá trị tiêu biểu của cà phê Việt Nam, là nơi hội tụ văn hóa cà phê của thế giới.

Một đô thị thông minh, sinh thái, bản sắc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, TP. Buôn Ma Thuột đang nỗ lực và quyết tâm xây dựng chắc chắn là nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển Buôn Ma Thuột xanh, trở thành thủ phủ cà phê, một thương hiệu đô thị có thể lan tỏa toàn cầu trong tương lai.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.