Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ, phát triển rừng: Sinh kế với rừng vẫn là "cốt lõi"

08:23, 23/04/2023

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.

Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng từng bước được hoàn thiện. Đáng chú ý là đã có nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo của người dân.

Trong số những cơ chế, chính sách liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng có thể kể đến Nghị định 75/2015/NĐ-CP, ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Sau đó là Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Những nghị định, chỉ thị này đã góp phần quan trọng khắc phục những hạn chế, yếu kém về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đã được nâng lên; phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương; việc đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng từng bước được quan tâm đúng mức; bước đầu đã khuyến khích được người dân, cộng đồng, các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng...

Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp; diện tích rừng phòng hộ liên tục giảm qua các năm. Chỉ tính riêng trên địa bàn Đắk Lắk, thời điểm năm 2008, tổng diện tích đất có rừng của tỉnh là 628.977 ha, độ che phủ đạt 47,2%, trong đó, rừng tự nhiên là 574.493 ha. Năm 2015, diện tích rừng còn 507.489 ha, độ che phủ 38,7%, trong đó, rừng tự nhiên 475.908 ha. Cuối năm 2020, diện tích rừng còn 508.564 ha, độ che phủ 38,7%, tuy diện tích và độ che phủ tương đương năm 2015, nhưng diện tích rừng tự nhiên chỉ còn 437.734 ha, giảm gần 38.174 ha so với 5 năm trước. Hiện, diện tích rừng giàu, trung bình tập trung chủ yếu trên lâm phần các vườn quốc gia, ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Toàn tỉnh có 104.006 ha rừng tự nhiên nghèo kiệt, chiếm 23% tổng diện tích rừng tự nhiên.

Người dân huyện M'Drắk tận dụng đất đồi để trồng keo. Ảnh: Minh Thông

Đây là những con số báo động, đáng buồn đối với một địa phương từng được ví như “lá phổi xanh” của Tây Nguyên và của cả nước. Thực trạng đó đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, bền vững hơn nữa mà nền tảng là ba yếu tố chính: Môi trường bền vững, kinh tế bền vững và xã hội bền vững. Các yếu tố này có mối liên hệ với nhau một cách chặt chẽ, trong đó “kinh tế bền vững” cần được xem xét thấu đáo. Nói vậy bởi để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thì việc “sống” được với rừng, có sinh kế từ rừng là yếu tố hết sức cốt lõi, đảm bảo “mỗi khu rừng phải có chủ thực sự” là vấn đề căn bản. Đến nay, dù tỉnh đã xác định phát triển lâm nghiệp là một trong những ưu tiên trọng điểm trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhưng  “kinh tế rừng” của Đắk Lắk chưa thực sự biểu hiện một cách rõ nét, nhất là yếu tố tạo sinh kế cho người dân gắn với rừng. Điều này có thể thấy rõ nhất ở nguồn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm trên địa bàn tỉnh mới chỉ “góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ cho hơn 209.000 ha rừng trong các lĩnh vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng (chiếm khoảng 41,1% tổng diện tích rừng hiện có)”. Đến nay, mới có 163 chủ rừng và UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh; có 4.047 hộ gia đình và 56 cộng đồng, nhóm hộ tham gia cung ứng và hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Như vậy, các nhóm còn lại chủ yếu là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có sinh kế sống dựa vào rừng từ lâu đời, liệu có vô tình trở thành “những người ngoài cuộc” và khi ấy họ là đối tượng xâm lấn rừng tiềm tàng đối với các diện tích rừng tự nhiên đã được giao phần lớn cho các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng hay các chủ rừng khác.

Hay như những quy định tại Nghị định 75/2015/NĐ-CP cũng đã phần nào nói lên những khó khăn trong vấn đề sinh kế gắn với rừng này. Chẳng hạn, theo nghị định này, hiện mức hỗ trợ bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm; hỗ trợ trồng rừng bổ sung, mức hỗ trợ theo thiết kế - dự toán, tối đa không quá 1.600.000 đồng/ha/năm trong ba năm đầu và 600.000 đồng/ha/năm cho ba năm tiếp theo; hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng/ha để mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công…; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy 15 kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15 kg gạo/khẩu/tháng tại thời điểm trợ cấp trong thời gian chưa tự túc được lương thực… Rõ ràng với mức hỗ trợ như trên thì rất khó để thu hút người dân tham gia vì họ không thể bảo đảm được cuộc sống của gia đình, trong khi trách nhiệm gắn với quản lý, bảo vệ rừng là rất lớn.

Do đó, bên cạnh hoàn thiện khung thể chế, tăng cường năng lực quản lý, bảo tồn, phát triển rừng; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn và phát triển… thì đáp ứng được nhu cầu sinh kế của người dân sống gắn bó với rừng là bài toán đặt ra cấp bách. Phải làm sao để người ta từ không dám, không thể, rồi không cần, không muốn phá rừng nữa, lúc ấy mới có thể giải quyết triệt để tình trạng mất rừng như thời gian qua.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.