Multimedia Đọc Báo in

Sạt lở bờ sông - Vì đâu nên nỗi? (kỳ 1)

04:27, 18/04/2023

Đắk Lắk có hơn 500 km đường sông nhưng trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ dòng sông dường như đang bị “bỏ quên”. Hậu quả là hàng trăm vị trí dọc các dòng sông bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống và hoạt động sản xuất của người dân.

Kỳ 1: Hà bá "nuốt" đất đai, cây trồng

Dọc theo những dòng sông chảy qua địa bàn các huyện Lắk, Ea Kar, Krông Pắc… hàng chục héc-ta đất bị sạt lở kéo theo nhiều cây cối, hoa màu của người dân bị cuốn theo dòng chảy. Người dân mất đất, mất ruộng chỉ biết ngậm ngùi nhìn tài sản, sinh kế đang dần mất đi.

Một đoạn bờ sông Krông Pách qua thôn 2A, xã Ea Ô (huyện Ea Kar) sạt lở nghiêm trọng, "ăn" đất sản xuất của người dân.

Đất ruộng biến thành sông, thành cát

Đưa chúng tôi đi dọc bờ sông Krông Pách đoạn qua thôn 2A, xã Ea Ô (huyện Ea Kar), ông Đào Xuân Hùng, trưởng thôn 2A, chỉ tay về phía những phần đất của người dân trong thôn trước đây canh tác nay đã biến thành... sông,  cho biết: Đoạn sông này trước đây rộng lắm cũng chỉ khoảng 15 -20 m, nhưng bây giờ có đoạn đã mở rộng đến hơn cả 100 m. Hầu hết những hộ dân có đất canh tác dọc bờ sông đều bị sạt lở, mỗi hộ đã bị mất từ 2 - 3 sào đất. Đặc biệt, hộ ông Nguyễn Khắc Dũng đã bị mất đến hơn 1 ha đất trồng lúa.

Tình trạng sạt lở này diễn ra từ năm 2016 và mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đến nay, toàn thôn có khoảng 25 hộ dân có đất bị sạt lở với diện tích đất bị mất khoảng hơn 5 ha. Riêng gia đình ông Hùng cũng đã mất hơn 2 sào đất. “Trước đây, dọc hai bên bờ sông cây cối mọc rậm rạp, um tùm, nhưng đến nay lại là những mép đất ruộng canh tác của người dân bị ăn mòn, lở dần. Lúc trước, chiều đến chúng tôi còn ra sông kiếm con tôm, con cá phục vụ bữa ăn nhưng nay thì còn đâu nữa”, ông Hùng tiếc nuối than thở.

Không chỉ sạt lở đất của người dân, nhiều diện tích đất canh tác lúa nước, cà phê (giao cho hộ dân canh tác) của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 716 (xã Ea Ô) cũng bị lòng sông ăn mòn. Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty cho biết, Công ty đã có hơn 2 ha đất sản xuất ở các thôn 3B, 4, 8 và 10 bị trôi theo dòng chảy. Không chỉ thế, tình trạng sạt lở bờ sông mở rộng đến tận khu vực các công trình thủy lợi của công ty. Trong đó, nhiều công trình được xây dựng hàng tỷ đồng cũng bị hư hỏng nặng như Đập trạm bơm 4 (đội 14) đã bị trôi, lở 3 lần, Đập trạm bơm 1 (đội 13) bị trôi, lở đến 4 - 5 lần… Trước tình trạng đó, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng mãi vẫn không được giải quyết.

Chị Nguyễn Doãn Đức cố gắng đắp bờ để ngăn diện tích lúa tiếp tục sạt lở.

Tại xã Yang Tao (huyện Lắk), nhiều hộ dân có đất canh tác dọc bờ sông Krông Ana cũng lo lắng đến mất ăn, mất ngủ khi lòng sông đang dần dần "nuốt" ruộng, rẫy. Bà Lường Thị Mẩy (buôn M’liêng, xã Đắk Liêng) có 5 sào đất trồng cà phê tại xã Yang Tao từ nhiều năm nay, nhưng đến nay đã mất đến hơn 2 sào. Từ đầu năm đến nay, bà đã nhiều lần “đụng độ” với tàu khai thác cát. Bà Mẩy kể: “Từ 4 giờ sáng khi tôi đến đã thấy các tàu đã có mặt trên dòng sông để hút cát. Nhiều lần bắt gặp tàu hút cát gần bờ, cạnh phần đất của gia đình, tôi đã nhỏ nhẹ nhắc nhở, họ cũng hứa không khai thác nhưng hôm sau lại tiếp diễn. Quá bức xúc, những lần sau gặp, tôi lấy đá ném nhưng đâu cũng lại vào đó”.

 

“Cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn, phải thuê đất của nông trường để canh tác nhưng nay lại mất gần hết đất đai. Nếu tình trạng sạt lở này không được khắc phục thì hơn hai sào đất còn lại của gia đình cũng sẽ biến thành sông, thành cát trong thời gian ngắn nữa thôi” - chị Nguyễn Doãn Đức.

Ở xã Nam Ka (huyện Lắk), tình trạng bờ sông bị sạt lở cũng đang diễn ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân từ nhiều năm nay. Ông Mai Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết, theo thống kê của UBND xã, hiện có khoảng 60 hộ dân đang canh tác trên địa bàn xã Nam Ka có đơn trình báo về tình trạng sạt lở ruộng rẫy, nhà cửa và hoa màu với tổng chiều dài sạt lở gần 3 km, chiều rộng sạt lở từ 20 – 80 m (tính từ mép sông vào phần đất bị sạt lở của người dân).

Cây trồng trôi theo dòng chảy

Giữa cái nắng gắt của tiết trời tháng tư, chị Nguyễn Doãn Đức (thôn 2A, xã Ea Ô) một mình cuốc đất ngăn bờ trên hai sào ruộng lúa còn sót lại của gia đình để ngăn chặn tình trạng sạt lở. Theo chị Đức, hai hôm trước, sau khi đất ruộng bị sạt lở chị đã ra đào đất để ngăn bờ, nhưng chỉ hôm sau, mới sáng sớm lại nghe hàng xóm về báo đất ruộng nhà mình lại bị sạt tiếp nên chị vội vàng ra đắp lại. Được biết, gần chân cầu C10 (thường gọi là cầu Thống Nhất), trước đây gia đình chị canh tác 8 sào đất trồng lúa; trong đó, có 3 sào đất của gia đình và 5 sào đất nhận của Công ty 716. Đến nay, gia đình chị chỉ còn được hơn 2 sào đất canh tác, còn lại hơn 5 sào đã trôi theo dòng chảy sông Krông Pách. Nhìn diện tích lúa đang chuẩn bị trổ bông cứ thường xuyên trôi theo dòng chảy mà chẳng thể làm được gì, chị chỉ biết ngậm ngùi xót xa.

Người dân bất lực khi nhiều diện tích đất bị sạt lở xuống sông đoạn qua xã Yang Tao (huyện Lắk).

Tại xã Nam Ka, nhiều hộ dân như đang "ngồi trên lửa" bởi những năm gần đây đất rẫy cứ lần lượt bị sạt lở thành sông. Không biết bao nhiêu cây trồng từ cà phê, điều, mía, sầu riêng… đã trôi theo dòng chảy. Nhìn hơn 3 sào đất của gia đình đã bị mất và căn nhà đang sắp sạt lở, anh Đinh Công Lành (thị trấn Liên Sơn) canh tác đất tại buôn Krái, xã Nam Ka không khỏi lo lắng. Theo anh Lành, khoảng hơn 2 năm nay, tình trạng sạt lở diễn ra càng nghiêm trọng, cứ mỗi năm diện tích đất, cây trồng bị dòng sông "nuốt chửng" càng lớn. Đến nay, gia đình anh đã bị mất hàng chục cây cà phê đang cho thu hoạch.

Dẫn chúng tôi đến mảnh đất gắn bó nhiều năm nay với gia đình, chỉ tay về phía hàng cây cà phê mới bị sạt lở hôm trước, ông Lò Kim Sơn (buôn Krái, xã Nam Ka) cho hay, gia đình ông có 8 sào đất trồng cây công nghiệp gồm cà phê, mía, điều… đã được cấp "sổ đỏ". Thế nhưng, mỗi năm diện tích đất sản xuất càng bị thu hẹp; qua kiểm kê của gia đình và chính quyền địa phương, gia đình ông đã mất gần 3 sào đất; trong đó có gần 2 sào đang trồng mía chưa kịp thu hoạch; 45 cây cà phê và 10 cây điều. Ông Sơn Kể: "Vào thời điểm này năm ngoái, chỉ sau một đêm ngủ dậy, sáng sớm tôi đi thể dục rồi đến đất rẫy thì thấy phần đất và mía, điều đang trồng đều đã nằm dưới lòng sông, gần đó có tàu thuyền đang hút cát gần bờ". Đến nay, bề rộng phần đất bị sạt sở của gia đình ông đã lên đến 22 m, trong khi toàn bộ mảnh vườn chỉ khoảng 35 m. Nếu tình trạng sạt lở này cứ tiếp diễn thì chỉ một hai năm nữa bao nhiêu đất đai của gia đình ông đều trở thành sông.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Thiên tai hay nhân tai?

Anh Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.