Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

14:37, 04/04/2023

Sáng 4/4, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương hữu quan.

ảnh
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng” (gọi tắt là Chỉ thị 13), nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao.

Cả hệ thống chính trị đã nhận thức được việc bảo vệ và phát triển rừng vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

ảnh
Các đại biểu tham dự tại buổi làm việc

Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp có chiều hướng giảm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại. Từ năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và tiếp nhận, lập hồ sơ xử lý 6.502 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. So với giai đoạn 2012 - 2016, số vụ vi phạm giảm hơn 44,5 %, trong đó số vụ phá rừng trái pháp luật giảm 31,2%; vận chuyển, mua bán trái phép động vật rừng, gỗ, lâm sản giảm 49,4%; các vi phạm khác giảm 30,2%...

Công tác trồng rừng đã có nhiều kết quả khả quan hơn, giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh trồng được 12.405 ha (cả trồng rừng mới và trồng lại rừng sau khai thác). Chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng đã ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác thu hút, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng tại địa bàn. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã chi trả cho các hộ dân, chủ rừng trên địa bàn hơn 488 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch), góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng.

ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phát biểu tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 13 tại Đắk Lắk cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng; một số chủ rừng năng lực còn hạn chế; tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép còn diễn biến phức tạp; hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp gặp rất nhiều khó khăn và kém hiệu quả… 

Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Đoàn công tác kiến nghị Trung ương quan tâm giải quyết một số nội dung, như: xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù vùng Tây Nguyên để quản lý bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân, góp phần đảm bảo đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài; sớm bổ sung, hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi rừng, cải tạo rừng; ban hành tiêu chí đánh giá phân loại chất lượng rừng; có chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ dân di cư tự do tại các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; nâng mức hỗ trợ cho công tác bảo vệ, phát triển rừng để người dân, doanh nghiệp yên tâm gắn bó với nghề rừng…

ảnh
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Đắk Lắk.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị 13 của Ban Bí thư. Trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật về rừng.

Tỉnh Đắk Lắk cần thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có những đánh giá, dự báo tình hình, nhận diện những thách thức và nguy cơ trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững theo các chứng nhận chuẩn quốc tế, tín chỉ cacbon.

Đặc biệt, với những lợi thế về diện tích rừng tự nhiên, đa dạng sinh học, đa dạng văn hoá, Đắk Lắk hoàn toàn có thể hướng đến phát triển kinh tế bền vững từ rừng.

Những kiến nghị của tỉnh Đắk Lắk sẽ được Ban Kinh tế Trung ương tiếp thu, bổ sung để hoàn thiện báo cáo về thực hiện Chỉ thị 13, đồng thời xem xét và đề xuất với Ban Bí thư các giải pháp phù hợp, nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn về cơ chế chính sách, pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Minh Thuận - Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.