Multimedia Đọc Báo in

Sạt lở bờ sông - Vì đâu nên nỗi? (kỳ 4)

05:49, 21/04/2023

Kỳ cuối: Trách nhiệm thuộc về ai?

Để từng bước hạn chế tình trạng bờ sông ở các địa phương sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ngoài việc siết chặt hoạt động khai thác cát, cần phải có những giải pháp căn cơ và xây dựng chế tài chặt chẽ, phân định rõ vai trò, chức năng, trách nhiệm của cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan...

Siết chặt quản lý khai thác cát

Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, tính đến hết tháng 3/2023, Cục Thuế tỉnh quản lý thu thuế đối với 25 doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn tỉnh, số tiền thuế, phí đã nộp trong năm 2021 là 21,18 tỷ đồng; tương tự năm 2022 thu thuế, phí được hơn 18,5 tỷ đồng. Đây chỉ con số đơn vị thu được trên giấy tờ, sổ sách; còn trên thực tế, một số tổ chức, cá nhân khai thác chưa kê khai trung thực trữ lượng hàng hóa bán ra và trữ lượng khai thác thực tế, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk Bùi Văn Chuẩn cho rằng, tình trạng doanh nghiệp kê khai nộp thuế, phí không tương ứng với sản lượng tài nguyên khoáng sản thực tế khai thác vẫn đang diễn ra. Đặc biệt, hiện nay việc nộp thuế đối với hoạt động khai thác cát hoàn toàn dựa trên tính tự giác của doanh nghiệp (tự tính, tự khai, tự nộp), trong khi cơ quan chức năng không thể giám sát hết được hoạt động khai thác, mua bán của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, trốn thuế, phí đặc biệt là khai thác cát diễn ra nhiều tại các địa bàn giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông. Cụ thể như lưu vực sông Krông Nô đoạn giáp ranh giữa huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk với huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng và huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Một biển cấm khai thác cát, sỏi lòng sông trên sông Krông Ana đoạn qua huyện Krông Ana.

Một vấn đề nữa là Cục Thuế tỉnh đang quản lý thu thuế đối với 25 doanh nghiệp khai thác cát nhưng theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 doanh nghiệp đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát. Như vậy, với sự chênh lệch con số giữa hai đơn vị này liệu có chăng có một số đơn vị, doanh nghiệp không có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng có kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường. Về vấn đề này, trước đó, tại Công văn số 8163/UBND-NNMT, ngày 27/8/2021 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tài nguyên nước, đê điều, phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục Thuế tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Cục Thuế tỉnh cho biết, trong hai năm 2021 và 2022, cơ quan Thuế đã tiến hành thanh, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản (bao gồm doanh nghiệp khai thác cát) với tổng số tiền truy thu là 22,4 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 truy thu 11,9 tỷ đồng, tương ứng với 44 doanh nghiệp; năm 2022 truy thu 10,5 tỷ đồng, tương ứng với 51 doanh nghiệp.

Hiện nay hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, khai thác cát nói riêng và hành vi trốn thuế chưa được ngăn chặn triệt để. Quá trình kiểm tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn, bởi thực tế quá trình cấp phép không xác định được trữ lượng thực của cát dưới lòng sông và trữ lượng khai thác thực của doanh nghiệp. Để chống thất thu thuế, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng Đề án chống thất thu thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản; phối hợp với cơ quan công an triển khai các giải pháp chống thất thu thuế qua khâu lưu thông nhằm giám sát các phương tiện vận chuyển cát có hóa đơn, chứng từ hay không…

Cần giải pháp căn cơ

Về giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh dường như chỉ mới có xã Vụ Bổn được hỗ trợ xây dựng Dự án kè chống sạt lở bờ sông Krông Pách và xây dựng đê bao ngăn lũ đoạn qua xã Vụ Bổn tại Nghị quyết số 52/NQ-HĐND, ngày 23/12/2021 của HĐND tỉnh.

Những năm trước đây, sông Krông Pách đoạn chảy qua thôn 5 và thôn 13 (xã Vụ Bổn) xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Tốc độ xói lở hằng năm có xu hướng tăng dần, mỗi năm xâm nhập từ 10 - 15 m vào sát khu dân cư, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 1.000 hộ dân đang sinh sống ở nhiều đoạn… Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Krông Pách đoạn thôn 5 và thôn 13, xã Vụ Bổn có chiều dài khoảng 2.600 m và Đê bao ngăn lũ đoạn qua thôn Thăng Quý, Phú Quý, Vân Kiều có tổng chiều dài khoảng 3.000m. Tổng mức đầu tư của dự án là 128 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương.

Hay như tại huyện Krông Ana, thời gian qua, chính quyền địa phương đã tổ chức khảo sát, cắm 15 biển cấm khai thác cát, sỏi lòng sông ở 15 vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng xử lý vi phạm các trường hợp cố tình khai thác, hút cát. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép hoặc không đúng khung thời gian quy định.

Về sạt lở do hoạt động thủy điện, UBND huyện Lắk chỉ mới phối hợp với các doanh nghiệp rà soát để bồi thường, hỗ trợ cho người dân khu vực sạt lở. Trong đó, Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah đã bồi thường cho 14 hộ ở xã Nam Ka với số tiền trên 1,4 tỷ đồng, diện tích bị ảnh hưởng trên 11.600 m2; bồi thường cho 85 hộ xã Ea R'bin với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ trên 21 tỷ đồng, diện tích bị ảnh hưởng gần 42.000 m2. Riêng việc tìm giải pháp để ngăn chặn sạt lở tiếp diễn vẫn là “bài toán khó”.

Dự án kè chống sạt lở đang được triển khai xây dựng trên địa bàn xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để hạn chế, giảm thiểu thiệt hại cho người dân cũng như tránh tác động đến các công trình thủy lợi, đê điều, cầu đường… do sạt lở bờ sông, những năm qua, tỉnh đã triển khai khoanh vùng các khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi trên nhiều đoạn sông. Cùng với đó, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát trên sông thực hiện đúng các quy định pháp luật như: khai thác đúng thời gian cho phép (từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều); cắm mốc khu vực khai thác nhằm tránh tình trạng lợi dụng khai thác cát vào gần bờ gây sạt lở; gắn bảng hiệu, bảng tên lên tàu thuyền... Tuy nhiên thực tế, sau khi ban hành các văn bản, quy định, việc kiểm tra, giám sát doanh nghiệp thực hiện như thế nào vẫn còn “bỏ ngỏ”!

Theo quy định, việc quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị như: Chính quyền địa phương sở tại, các ngành công an, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, xây dựng, giao thông… Đối với thực tế các sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản như phóng viên đã đề cập, đại diện lãnh đạo Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương (nhất là cấp xã) trong việc quản lý hoạt động khai thác cát. Trong khi đó, theo lãnh đạo các xã, với khả năng của địa phương lại không thể xử lý hết, mà chỉ có thể báo cáo, kiến nghị với cấp trên và lực lượng chức năng hỗ trợ. Trong khi chờ các cơ quan chức năng vào cuộc, việc khai thác cát trái quy định và tình trạng sạt lở vẫn cứ diễn ra hằng ngày và kéo dài từ năm này qua năm khác, gây bức xúc trong nhân dân.

Trao đổi về giải pháp để quản lý hoạt động khai thác khoáng sản cũng như ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông, phía Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ trả lời chung chung là sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, xử lý.

Trước tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng, nếu hoạt động khai thác cát tràn lan, không có giải pháp phù hợp cứ tiếp diễn thì nên chăng cần tính toán lại việc đánh đổi giữa lợi nhuận khai thác cát và tổn thất do sạt lở cùng với chi phí ứng phó, bên nào cần bảo vệ hơn.

Theo thông tin từ Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, ở Đắk Lắk, chưa có tuyến đường thủy nội địa nào được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xây dựng, tổ chức, công bố tuyến giao thông. Điều này dẫn đến thực trạng các phương tiện thủy (bao gồm cả tàu, thuyền chở người và khai thác, vận chuyển cát) hoạt động không theo quy tắc, di chuyển tự do, khiến công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm gặp khó.

Anh Trường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.