Multimedia Đọc Báo in

Tượng nhà mồ: Từ thực hành văn hóa đến sáng tạo nghệ thuật

16:58, 27/12/2021

Có dịp xem qua hầu hết nhóm tượng gỗ nhà mồ của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, tôi cảm nhận rằng, loại hình nghệ thuật độc đáo và giàu bản sắc này của người Ja rai là giàu sắc thái biểu cảm hơn cả. Xem tượng của họ sáng tạo nên đặt trong nhà mồ, có cảm giác vừa gần gũi, giản dị nhưng cũng đầy bí ẩn.

Cốt lõi là tượng người

Trong nhiều motip tượng nhà mồ, nhất là đối với tộc người Ja rai thì tượng người là cốt lõi nhất, bởi đó là lễ vật dâng cúng cho “thế giới bên kia” - và cho dù được sáng tạo nên dưới bất kỳ trạng thái tình cảm nào thì đó được coi là đỉnh cao nghệ thuật của tượng gỗ dân gian Tây Nguyên.

Một dịp, tôi đến làng Chư A Thai, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) dự Lễ bỏ mả (Pơ thi) của người thân, già Ksor Hơng chia sẻ rằng: Đã làm Pơ thi thì nhất thiết phải có tượng nhà mồ, bởi trong nghi lễ quan trọng này, thầy cúng thường khấn: “Hỡi ma! Lễ bỏ mả đã đến sau lưng rồi. Giờ đây, người sống thì ăn cơm trắng, còn ma thì ăn cơm đỏ, ăn hoa tím, hoa vàng. Hỡi ma! Hôm nay áo quan đã hết rồi, các cột kut, cột klao (dùng để dựng tượng) cũng được tạt rồi. Chúng tôi bôi lên đó máu đỏ của trâu, bò, lợn, gà để dâng cho ma. Xin ma đừng gọi, đừng lại gần con cháu nữa…”.

Vì thế tượng nhà mồ là món quà, là tình cảm cuối cùng để chia tay với người nằm xuống. Già Hơng bảo: “Người Tây Nguyên nói chung quan niệm chết là sự bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới khác, nên tượng nhà mồ nhằm tái tạo thế giới ấy cho hồn ma. Lúc sống như thế nào, thì khi chết, hồn ma cũng có nhu cầu tương tự. Cuộc sống muôn thuở của con người là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc và cả hoan lạc nữa - tất cả những cảm xúc ấy không chỉ hiện hữu nơi trần thế, mà ở thế giới bên kia cũng vậy, nó vẫn tiếp diễn như thường”.

Tượng gỗ dân gian Tây Nguyên thoát thai từ tượng nhà mồ được dùng trang trí, giới thiệu với du khách tại Khu du lịch Ko Tam. Ảnh: Hữu Hùng

Có lẽ như vậy mà trong dịp Lễ bỏ mả trên, tôi đã thấy gia chủ đặt nhóm tượng cặp trai gái đang giao hoan, bên cạnh đó có tượng người đàn bà chửa và xung quanh là những hài nhi đang ngồi. Già Hơng giải thích: “Nó xuống dưới kia cũng phải sinh con, đẻ cái làng mới vui. Làng xưa mới có nhóm tượng này. Người ta tạc tượng nhà mồ theo cách mô phỏng, tái hiện lại tất cả những gì đã nhìn thấy và có thật trong đời sống để gửi đến người đã khuất. Đó là hình thức người sống tái tạo lại cho người chết qua thế giới tượng nhà mồ”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên - thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ (Trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai) nhận xét: “Có lẽ từ thế giới quan và nhân sinh quan này mà khi đến một khu nhà mồ nào đó của đồng bào Tây Nguyên, nhất là tộc người Ja rai ở vùng Ayun Pa, chúng ta chỉ cần nhìn vào từng bức tượng và những thông điệp được “mã hóa” trên đó là có thể nhận biết người nằm xuống là ai, có tình cảm và khát vọng gì để tiếp tục sự sống ở thế giới khác…”.

Mở rộng không gian tượng nhà mồ

Trước nhu cầu của đời sống hiện đại ngày nay, tượng nhà mồ (ngoài cốt lõi là tượng người ra, tượng về chim chóc, thú vật, hình ảnh sinh hoạt thường nhật) đã được đưa đến trong những không gian mới: nhà hàng, quán cà phê sân vườn, biệt thự và nhất là tại các khu du lịch văn hóa - sinh thái đang mọc lên khắp nơi. Thậm chí cơ quan, đơn vị văn hóa nhiều địa phương còn tổ chức nhiều cuộc thi tạc tượng nhà mồ nhằm giới thiệu, quảng bá loại hình nghệ thuật này.

Nghệ nhân tham gia Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ năm - 2015. Ảnh: Lê Hương

Điều đó được nhìn nhận, đánh giá như thế nào? Tôi đã gặp gỡ, chia sẻ “hiện tượng” này với nhiều người và lắng nghe họ tâm tư.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ cho rằng, cũng giống như văn hóa cồng chiêng vậy, tượng nhà mồ bước ra khỏi “môi trường thiêng” để hòa nhập với đời sống đương đại. Tuy nhiên gọi đó là tượng nhà mồ là không xác đáng, mà phải gọi đúng tên: Tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, hay Điêu khắc dân gian Tây Nguyên.

Bởi tượng nhà mồ vốn mang nội hàm sâu sắc hơn, thể hiện đầy đủ yếu tố tình cảm, tín ngưỡng, tâm linh và nhân sinh của con người, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở đây trong quá trình hình thành, vu đắp vốn lịch sử - văn hóa giàu bản sắc của họ. Tách ra khỏi “môi trường thiêng” ấy thì đương nhiên đã mang ý nghĩa, nhận thức khác - là để chơi, trang trí như thứ nghệ thuật được nhiều người mê thích. 

Nghệ sĩ Y Kô Niê (Phó Trưởng đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk) chia sẻ: “Việc phô diễn, quảng bá tượng nhà mồ, hay nói đúng hơn tượng gỗ dân gian Tây Nguyên trong không gian mới và qua những cuộc thi nói trên là để ghi nhận, tôn vinh nghề - và cũng là loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của người Tây Nguyên.

Qua đó làm sống lại và đưa loại hình nghệ thuật này lan tỏa, hòa nhập cùng dòng chảy văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, giúp công chúng có điều kiện, cơ hội để đến gần hơn, hiểu thêm và thưởng lãm vốn văn hóa - nghệ thuật ấy ở mọi nơi, mọi lúc”.

Ngày xưa, nghệ nhân tạc tượng nhà mồ là một thực hành văn hóa gắn với đời sống tâm linh, chứ không lấy đó làm địa hạt sáng tạo nghệ thuật để mưu sinh; ngày nay thì người sở hữu kỹ năng/kỹ thuật ấy được xem như sinh kế, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Điều đó là tất yếu và hơn thế cũng góp phần mở ra cánh cửa để giao lưu, hội nhập với bạn bè khắp nơi.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc