Multimedia Đọc Báo in

"Tổ quốc nhìn từ biển"...

11:34, 16/05/2014
Một người bạn của tôi từng vinh dự có dịp đến Trường Sa đã tâm sự rằng: Có đến Trường Sa mới thực sự thấy hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng đến nhường nào.
 
Mọi bon chen tiền tài, địa vị, danh vọng trở nên vô nghĩa. Giữa biển trời mênh mông, tâm hồn rộng mở, thênh thang đón nhận từng tiếng sóng lòng trào dâng với bao xúc cảm. Nghe bạn nói, tôi cười: “Hãy cảm ơn Trường Sa đã đánh thức phần nghệ sĩ trong mỗi con người...".
 
Những ngày gần đây, xem những bức ảnh, clip xung quanh sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tôi đã đồng cảm và chia sẻ thực sự với những cảm xúc của bạn tôi. Tổ quốc đang bão giông từ biển. Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả. Tôi lật giở lại những tư liệu đã thu thập được qua Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam: Những bằng chứng lịch sử” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Dak Lak tổ chức tại Bảo tàng tỉnh hồi đầu năm 2014. Triển lãm giới thiệu những hình ảnh, tư liệu bản đồ và hiện vật khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những thông tin đầu tiên khi mở đầu, giới thiệu cho triển lãm này đã cho thấy từng thước đất của biển trời Tổ quốc đã được cha ông qua nhiều thời đại, thế hệ kiên quyết gìn giữ cũng như xác lập và thực thi chủ quyền.  “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được. Người phải kiên quyết tranh biện chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương bắc bày tỏ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”. Đây là lời của vua Lê Thánh Tông (1442-1487) nói với các quan phụ trách biên cương, đứng đầu là Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy vào tháng Tư năm 1473 được ghi lại trong “Đại Việt sử ký toàn thư”.
 
Còn Lê Quý Đôn viết về Hoàng Sa và hoạt động của Đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn trong sách “Phủ biên tạp lục” do ông biên soạn vào năm 1776 như sau:  “Xã Vĩnh An, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi giáp liền với biển. Ở vùng biển xa về phía đông bắc có nhiều đảo núi, các núi lẻ tẻ kế tiếp nhau nhiều đến hơn 130 ngọn. Giữa các ngọn núi là biển, đảo núi xa cách nhau hoặc là đi một ngày đường hoặc đi hết mấy canh giờ. Trên núi có suối nước ngọt, trong các đảo có Bãi Cát Vàng dài khoảng hơn 30 dặm, rộng lớn, bằng phẳng, nước trong vắt nhìn tận đáy… Trước đây, họ Nguyễn lập ra đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh sung vào. Mỗi năm luân phiên tổ chức đi ra biển, cứ vào tháng Ba nhận lệnh chịu sai dịch, mang theo sáu tháng lương thực đủ dùng. Đội dùng năm chiếc thuyền câu nhỏ chở đi ra biển suốt ba ngày ba đêm liền thì mới bắt đầu đến được đảo này. Thuyền dừng ở đấy thả sức thu lượm, bắt lấy chim cá mà ăn. Lại lấy được đồ vật của tàu thuyền như kiếm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc đồ đồng, thỏi thiếc, thỏi chì, súng ống, ngà voi, sáp ong, đồ chiêu, đồ sứ. Lại thu lượm cả mai đồi mồi, mai ba ba biển, hải sâm, ốc hoa rất nhiều. Đến kỳ tháng Tám thì trở về cửa Eo rồi đi đến thành Phú Xuân để giao nộp. Cân đo định hạng đủ rồi, mới bắt đầu cho bán riêng các loại ốc hoa, ba ba biển, hải sâm, rồi đến lĩnh lấy bằng cấp mà quay về”.
Chiến sĩ hải quân bảo vệ cột mốc Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Đăng Triều
Chiến sĩ hải quân bảo vệ cột mốc Tổ quốc trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Đăng Triều

Quay trở lại với sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tôi chợt nhớ đến những câu hát trong “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp, phổ thơ Nguyễn Việt Chiến: “Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn/Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/Trong hồn người có ngọn sóng nào không?”. Kể từ khi Trung Quốc có hành động này, từ đầu tháng 5 đến nay, dư luận thế giới đã lên tiếng mạnh mẽ. Các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản…; các tổ chức như Liên hiệp quốc, ASEAN cũng bày tỏ quan điểm, chính kiến, phản đối thái độ trên của Trung Quốc. Còn với những người dân Việt Nam, trong những ngày vừa qua, cùng với sự bình tĩnh, kiên quyết đấu tranh bằng con đường ngoại giao, hòa bình của Chính phủ Việt Nam, các chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam, ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường ngày đêm bám biển. Những ngọn sóng cùng chung nhịp đập, cùng chung âm điệu: bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang trào dâng trong muôn triệu tấm lòng người dân đất Việt…

Kể từ khi Trung Quốc có hành động này, từ đầu tháng 5 đến nay, dư luận thế giới đã lên tiếng mạnh mẽ. Các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản…; các tổ chức như Liên hiệp quốc, ASEAN cũng bày tỏ quan điểm, chính kiến, phản đối thái độ trên của Trung Quốc. Còn với những người dân Việt Nam, trong những ngày vừa qua, cùng với sự bình tĩnh, kiên quyết đấu tranh bằng con đường ngoại giao, hòa bình của Chính phủ Việt Nam, các chiến sĩ hải quân Việt Nam, ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường ngày đêm bám biển. Những ngọn sóng cùng chung nhịp đập, cùng chung âm điệu: bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc!, đều trào dâng trong muôn triệu tấm lòng người dân đất Việt…

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.